Ngày 7/2, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Tham tán Thương mại 2018. Phát biểu tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của tham tán thương mại trong công cuộc hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi Việt Nam càng ngày càng nhiều mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn. Ngoài các mặt hàng truyền thống, Việt Nam đã xuất khẩu được một số mặt hàng mới như xoài, thanh long, vú sữa, vải, nhãn, chôm chôm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số 425 tỷ USD. Đó là điều đáng mừng, nhưng Thủ tướng cho rằng cần phấn đấu sớm đạt con số 500 tỷ USD.
“Năng lực ta có tại sao lại không? Nếu hệ thống của ta từ Trung ương đến bộ ngành, tham tán thương mại làm hết sức mình để đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu thì hoàn toàn làm được. Nếu làm được thì đó là mốc đáng ghi nhận của nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng Bộ Công Thương nên có các hình thức khen thưởng, động viên xứng đáng với các thương vụ, tham tán thương mại làm việc tích cực trong năm qua, đóng góp vào kinh tế nước nhà. Đồng thời đề nghị phải xử lý nghiêm, có biện pháp cần thiết thuyên chuyển cán bộ làm tham tán thương mại các nước mà không biết làm việc.
Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị hôm nay không phải chỉ khen thưởng, mà còn lưu ý đến cán bộ còn yếu chuyên môn, “lo việc nhà hơn việc nước”, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra còn tình trạng một số ít cán bộ làm công tác tham tán thương mại có chủ trương “hy sinh đời bố củng cố đời con”, tức lo đưa con đi học, còn thương vụ thì chưa quan tâm đúng mực.
Kể câu chuyện về một vị tham tán thương mại của Nhật Bản ở Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ: Ông ấy quan hệ với chính quyền, với doanh nghiệp rất tốt. Ông ấy lăn lộn dữ lắm, đi tỉnh này tỉnh khác, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Và ông ta có kiến thức rất sắc sảo, hiểu biết pháp luật nước sở tại, từ sắc thuế đến thuế suất. Ông ấy đấu tranh với các bộ ngành, Chính phủ về những việc mà doanh nghiệp cho rằng cản trở thương mại Việt Nam – Nhật Bản.
“Đó có phải là bài học kinh nghiệm cho thương vụ Việt Nam không? Chúng ta có lăn lộn được thế không? Chúng ta còn hời hợt quá”, Thủ tướng đánh giá và yêu cầu cần lăn lộn nhiều hơn, thông tin nhiều hơn, tránh tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”.
Giao nhiệm vụ cho các thương vụ,Thủ tướng nhấn mạnh phục vụ người dân và doanh nghiệp là rất quan trọng, là quan điểm xuyên suốt, không ngồi chờ doanh nghiệp đến nhờ mà chủ động làm việc với đối tác sở tại để có thông tin phục vụ doanh nghiệp. Thủ tướng cũng phê bình tâm lý ngồi chờ, thụ động còn rất phổ biến ở các tham tán thương mại.
“Các đồng chí thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình”, Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải quản lý, bảo đảm chất lượng sản phẩm, thương hiệu, bao bì tốt, không được “tiền hậu bất nhất”, phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, tạo điều kiện hơn cho sản xuất, xuất khẩu thì thương vụ Việt Nam ở nước ngoài “mới nói mạnh miệng được”.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có 57 Thương vụ (Thương vụ Venezuela tạm thời đóng cửa) và 7 Chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 15 Thương vụ và 4 Chi nhánh, khu vực châu Phi - Tây Nam Á có 13 Thương vụ, khu vực châu Âu có 20 Thương vụ và 1 Chi nhánh (bao gồm cả Phòng WTO tại Geneva), khu vực Châu Mỹ có 9 Thương vụ và 2 Chi nhánh. Tổng biên chế được giao là 139, số lượng biên chế đang thực sử dụng là 122 (17 biên chế còn lại đang được Bộ Ngoại giao làm thủ tục để cử đi công tác nhiệm kỳ).
Trong 2 năm 2016-2017, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, các đoàn xúc tiến thương mại trong khuôn khổ các phiên họp Ủy ban liên Chính phủ và chương trình xúc tiến thương mại của các địa phương.
Công tác xúc tiến thương mại của các Thương vụ đã bước đầu có sự đổi mới theo hướng tập trung xúc tiến thương mại một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, giảm bớt các hoạt động xúc tiến thương mại chung chung. Các Thương vụ tại I-ta-li-a, Liên bang Nga, Pháp, Nhật Bản, Ốt-xtrây-lia, Lào, Thái Lan, Phi-lip-pin, Hàn Quốc ... đã tích cực phối hợp với các Vụ khu vực trong việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam tiếp cận các chuỗi phân phối tại nước sở tại, định kỳ tổ chức ngày bán hàng, tuần bán hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối này, đồng thời kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các chợ nông sản đầu mối tại nước sở tại.
Các Thương vụ đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, Thương vụ đã cung cấp thông tin và phối hợp xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại trong năm 2016, 13 vụ trong năm 2017 và hàng chục vụ việc chống bán phá giá phát sinh từ những năm trước.
Lương Bằng