Chuyến thăm và làm việc đến Campuchia lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra theo lời mời của Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen - Chủ tịch ASEAN 2022.

Ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam lên đường thăm chính thức Campuchia. Ảnh: Nhật Bắc

Tham gia tháp tùng Thủ tướng trong đoàn còn có Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Đại sứ Nguyễn Huy Tăng; Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga...

Tại cuộc gặp mặt nhân Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ hồi giữa năm 2022, Thủ tướng Hun Sen đã trân trọng mời Thủ tướng Phạm Minh Chính sang thăm chính thức Campuchia. Ảnh: Nhật Bắc

8h15 Thủ tướng đến sân bay quốc tế Phnom Penh bắt đầu chuyến thăm chính thức Campuchia.

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sân bay về phía Campuchia có Bộ trưởng Du lịch Thong Khon (Bộ trưởng tháp tùng), Đại diện Ủy ban Khánh tiết Quốc gia, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Soeung Rathchavy, Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth cùng một số thành viên khác; phía Việt Nam có Đại sứ Nguyễn Huy Tăng và tập thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Ảnh: Nhật Bắc

Lễ đón chính thức Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Campuchia Hun Sen chủ trì diễn ra sáng 8/11.  Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Trong ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội kiến Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin, chào Quốc vương Norodom Sihamoni.

Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hun Sen tham dự Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Thương mại Việt Nam-Campuchia.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững, lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục phát triển ổn định.

Hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ đô la, tăng 16,7 % so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam xuất siêu sang Campuchia với giá trị 487,7 triệu USD. 

Đến nay, Việt Nam có 198 dự án đầu tư còn hiệu lực ở Campuchia với tổng vốn đăng ký đạt 2,92 tỷ USD, đứng đầu ASEAN và trong tốp 5 nước có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Campuchia.

Lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp dự các hoạt động của lãnh đạo ASEAN

Ngày 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia từ ngày 10-13/11. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng trực tiếp dự các hoạt động của lãnh đạo ASEAN và giữa ASEAN với nhiều đối tác.

Các hội nghị cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các lãnh đạo sau hơn 2 năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. 

Đây sẽ là dịp để lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao của ASEAN, Thủ tướng dự kiến tham gia sự hơn 20 hoạt động và gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế để trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm.

Là thành viên tích cực có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia, cũng như các thành viên khác và các nước khác, đảm bảo các hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.

Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN và các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề mà ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, vì hòa bình và ổn định của khu vực Đông Nam Á nói riêng và châu Á - Thái Bình Dương nói chung.