Thủ tướng Scholz hôm 6/11 đã sa thải Lindner, lãnh đạo của Đảng Dân chủ tự do (FDP), một trong 3 đảng tạo nên chính phủ liên minh “Đèn giao thông” của Đức cùng với Đảng Dân chủ xã hội và Đảng Xanh. 

Theo đài RT, sự rạn nứt giữa ông Scholz và ông Lindner được cho lên đến đỉnh điểm sau một cuộc họp, trong đó các đối tác liên minh không tìm được tiếng nói chung về cách khắc phục lỗ hổng hàng tỷ Euro trong ngân sách năm tới cũng như vực dậy nền kinh tế Đức đang gặp khó khăn.

thu tuong Duc Bussiness World.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bussiness World

Trong một cuộc họp báo mới đây, Thủ tướng Đức lưu ý, bằng cách sa thải ông Lindner, ông đã tìm cách "ngăn chặn thiệt hại đối với đất nước". Theo ông Scholz, đề xuất của ông bao gồm nỗ lực đảm bảo giá năng lượng phải chăng, một gói đảm bảo việc làm trong ngành công nghiệp ôtô cùng kế hoạch ban hành ưu đãi đầu tư để thu hút vốn vào Đức. Ông Scholz cũng nhấn mạnh đến việc "tăng cường hỗ trợ cho Ukraine, quốc gia đang bước vào một mùa đông khắc nghiệt". Ông nói thêm, Đức phải gửi một tín hiệu cho thế giới thấy nước này có thể tin cậy được, đặc biệt sau khi ông Donald Trump tái đắc cử chức tổng thống Mỹ.

“Bộ trưởng Tài chính cho thấy không sẵn sàng thực hiện đề xuất này trong chính phủ liên bang vì lợi ích của đất nước. Tôi không muốn đất nước chúng ta phải chịu những hành vi như vậy nữa”, ông Scholz giải thích.

Truyền thông Đức trước đó đưa tin, ông Lindner đã yêu cầu Bộ Quốc phòng hạn chế hỗ trợ quân sự cho Ukraine với lí do khó khăn về ngân sách. Berlin đã giảm gần một nửa số viện trợ cho Kiev từ 7,5 tỷ Euro vào năm 2024 xuống chỉ còn 4 tỷ Euro vào năm tới.

Sau sự sụp đổ của liên minh cầm quyền, ông Scholz trở thành lãnh đạo chính phủ thiểu số và tuyên bố tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm vào giữa tháng 1/2025, động thái có thể mở đường cho một cuộc bầu cử sớm vào tháng 3 cùng năm.