Xuân Quê hương là sự kiện thường niên do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức mỗi dịp Tết đến Xuân về. Bà con kiều bào sẽ tham gia nhiều sự kiện như lễ dâng hương và thả cá chép theo phong tục truyền thống, họp mặt mừng xuân...
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đại diện các Việt kiều vui mừng về những thành tựu to lớn của đất nước. Việt Nam đã thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Vị thế quốc gia ngày càng được nâng cao, là niềm vinh dự và nguồn động viên, cổ vũ to lớn để bà con kiều bào yên tâm đầu tư, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình cũng như đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước và quốc gia sở tại.
Hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bằng sự sáng tạo, nhiệt huyết, các tổ chức, mạng lưới doanh nhân, trí thức, thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài đã nỗ lực kết nối với trong nước, cùng hợp tác triển khai, thực hiện thành công mục tiêu kép, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Chị Nguyễn Thuý Anh, Tiến sĩ Đại học California Davis, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, bày tỏ vinh dự khi lần đầu được tham dự chương trình Xuân Quê hương.
"Mỗi người có thể có nhiều sự lựa chọn nơi sinh sống, học tập, làm việc nhưng gốc rễ, quê hương chỉ có một, cho nên tình yêu nước, lòng tự tôn dân tộc luôn trong trái tim mỗi người Việt. Chỉ cần khơi gợi, tạo điều kiện thì lòng yêu nước sẽ trở thành nguồn lực lớn đưa đất nước phát triển", chị Thuý Anh chia sẻ.
Chị hy vọng trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục tổ chức những chương trình tương tự như Xuân Quê hương để tạo điều kiện cho kiều bào, những nhà khoa học trẻ có cơ hội đóng góp cho đất nước.
Tiến sĩ Thuý Anh phát biểu. |
Tâm đắc với phát biểu, cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP26 (Anh) về ứng phó biến đổi khí hậu, Tiến sĩ Thuý Anh cho biết, việc cam kết giảm phát thải ròng về 0 trong năm 2050 và cam kết giảm 50% lượng khí metan lượng khí nhà kính 2030 của lãnh đạo Việt Nam làm chị thôi thúc suy nghĩ muốn đồng hành, góp sức cùng Chính phủ để hiện thực hoá mục tiêu này.
Mong muốn kết nối với các hội đoàn của Hàn Quốc đầu tư về Việt Nam, hoạt động từ thiện, phát triển an sinh xã hội, Sư cô Thích Nữ Giới Tánh cho biết, Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Hàn Quốc là “ngôi nhà chung” để chăm lo đời sống tinh thần cho những người con xa xứ; kết nối, động viên tinh thần những kiều bào xa quê hương.
Sư cô Thích Nữ Giới Tánh chia sẻ, trong thời gian qua, kiều bào ở Hàn Quốc nói riêng, khắp nơi trên thế giới nói chung, luôn hướng về quê hương, đất nước với những việc làm thiết thực, hiệu quả, cùng với Đảng, Nhà nước, tích cực hỗ trợ an sinh cho người dân, phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các kiều bào. |
Một trong những hội đoàn phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua đó là Séc. Bà Phạm Thu Thuỷ, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Séc cho biết, tuy chỉ với khoảng 100 nghìn kiều bào, nhưng các hoạt động của kiều bào tại Séc luôn hướng về trong nước, được đánh giá là một trong những nước có kiều bào hoạt động sôi nổi, đoàn kết, thống nhất nhất.
Hội đã quy tụ đại đa số bà con với các hoạt động hỗ trợ làm ăn, hội nhập kinh tế, hội nhập với nước sở tại, gìn giữ cội nguồn dân tộc, hướng về quê hương đất nước.
Kiều bào Phạm Bích Thuỷ. |
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, chỉ trong 4 ngày hội đã quyên góp được 500.000 triệu đồng ủng hộ vào quỹ vắc xin, trở thành nhóm kiều bào ủng hộ đầu tiên; được tổng số 4 tỷ đồng ủng hộ trong cả phong trào phòng chống dịch. Về công tác ngoại giao vắc xin, kiều bào đã vận động Chính phủ Séc hơn 200.000 liều vắc xin hỗ trợ Việt Nam, tạo hiệu ứng lan toả.
Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng bày tỏ vui mừng đón tiếp bà con kiều bào về thăm Tổ quốc. Từng có những ngày sống, học tập, làm việc ở nước ngoài, xa quê hương nên Thủ tướng thấu hiểu tâm trạng của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về, mỗi khi đất nước có sự kiện.
Thủ tướng chia sẻ: "Khi xa Tổ quốc luôn luôn đau đáu nghĩ về tiếng gọi nơi chôn rau cắt rốn, tiếng gọi của mẹ cha, tiếng gọi của những kỷ niệm, của những bữa cơm đạm bạc, của tiếng ve, tiếng dế, của đường làng, của góc phố, của những nếp nhà thân thương, những gian nan, vất vả khi có chiến tranh, đất nước còn nghèo, của những đóng góp, cống hiến cho quê hương đất nước… dẫn lối đưa chúng ta về quê với quê hương, đất nước.
Đó là những ký ức sống mãi và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của đồng bào ta đang sinh sống và làm việc nơi xa Tổ quốc".
Cội nguồn Việt Nam luôn hiện hữu trong mỗi trái tim người Việt Nam dù ở đâu trên trái đất này, “Quê hương mỗi người chỉ một- Như là chỉ một mẹ thôi”.
Thủ tướng phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Mỗi chúng ta đều mong đến ngày được về thắp nén nhang trước tổ tiên, được tụ họp gia đình, bè bạn, được nhìn lại những hình ảnh thân thuộc đã in sâu trong mỗi suy nghĩ và hành động của những người xa quê, xa tổ quốc.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến toàn thể kiều bào.
Thủ tướng nhấn mạnh những kiều bào có mặt ở đây hôm nay đã may mắn và hạnh phúc hơn rất nhiều đồng bào chưa được về quê do tác động của đại dịch. Đảng và Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ và luôn đặt ra trách nhiệm để làm sao “Đường về quê gần hơn”, để làm sao quê hương thật là “chùm khế ngọt”; là nhà, là nơi quy tụ mọi giá trị truyền thống, trí tuệ, tấm lòng, khát vọng, tôn trọng sự khác biệt… để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, để chúng ta tự hào là người Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Thủ tướng tặng quà kiều bào. |
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, vận động các nước tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống và phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức rất nhiều chuyến bay giải cứu, chuyến bay thương mại đưa hơn 200.000 bà con về nước trong suốt 2 năm qua.
Thủ tướng khẳng định, những thành tựu quan trọng đó của đất nước có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Tri ân với những đóng góp của kiều bào, người đứng đầu Chính phủ cho biết, sự đóng góp to lớn của bà con không chỉ thể hiện qua hơn 80 tỉ đồng và hàng nghìn máy thở, hàng chục nghìn liều vắc xin cùng nhiều trang thiết bị y tế khác mà còn là sự đóng góp tri thức, kinh nghiệm thể hiện sự sáng tạo, tư vấn cho Chính phủ vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả.
"Đặc biệt, một số đồng bào ta ở nước ngoài còn gác lại công việc, cuộc sống ở nước ngoài về với Việt Nam, xung phong tham gia ở tuyến đầu chống dịch và làm rất nhiều việc mang ý nghĩa nhân văn cao cả...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Để tiếp nối những thành tựu đạt được trong năm 2021, phấn đấu mục tiêu đề ra cho năm 2022, Thủ tướng cho rằng cần phát huy sức mạnh tổng hợp, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó, sự đóng góp, chia sẻ, tham gia tích cực của kiều bào là nguồn lực rất quan trọng.
Chính phủ sẽ có giải pháp thực hiện mục tiêu “Đường về quê gần hơn”. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan tiếp tục đưa ra những giải pháp tổng thể để chăm lo, hỗ trợ bà con, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn, tạo thuận lợi để bà con có được địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống và hội nhập vào xã hội nước sở tại.
Chính phủ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, khuyến khích các cơ quan, hiệp hội tổ chức dạy tiếng Việt ở nước ngoài, tăng cường kết nối các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài với trong nước đóng góp xây dựng đất nước và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chính sách nhằm huy động nguồn lực, lắng nghe, tạo môi trường thuận lợi để kiều bào đóng góp trí tuệ, thu hút chất xám, khát vọng phát triển đất nước.
Trước mắt, Chính phủ tiếp tục làm việc với các nước để sớm mở lại thêm các đường bay thương mại, tạo thuận lợi cho bà con về quê; tiếp tục yêu cầu các hãng hàng không mở rộng các chuyến bay đến nhiều nơi trên thế giới, đến nhiều địa phương của các nước để việc đi lại dễ dàng hơn. Về những ý kiến, kiến nghị của bà con, Chính phủ sẽ quan tâm, xem xét giải quyết.
Với tinh thần người Việt Nam ở nước ngoài “là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Trần Thường - Phạm Hải
Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt: Tôi học về Tết, ăn bánh chưng, lì xì
Nguyên Phó thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Roesler cho biết ông đã học được nhiều về lịch sử văn hóa đất nước con người Việt Nam đặc biệt trong dịp Tết.