Sáng 8/11, trước khi trả lời các câu hỏi của các  đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay, tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực; chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ. 

phamminhchinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời các ĐBQH. 

Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt; xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD; kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 61,6 tỷ USD.

Thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 86,3% dự toán. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ (51,34%), số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng…

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, kinh tế -xã hội còn những hạn chế, bất cập; sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao… 

Với những tháng còn lại của năm, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo.

Trong đó, Chính phủ tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; bảo đảm ổn định giá cả, thị trường, nhất là những mặt hàng thiết yếu.

Mục tiêu là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.

Bên cạnh đó, rà soát hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề rất quan trọng, được đặc biệt quan tâm. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tập trung triển khai nhiệm vụ này và thời gian tới cần phải đẩy mạnh hơn nữa.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, đất đai, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng….

Tiếp tục đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh; động viên, khen thưởng và xử lý kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh đến việc tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả... 

Vượt nắng thắng mưa, 3 ca 4 kíp để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm

Về các dự án hạ tầng quan trọng, Thủ tướng cho biết, thời gian qua đã triển khai các dự án giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia (36 dự án với 83 dự án thành phần).

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, động viên, khích lệ các đơn vị thi công và người lao động “vượt nắng, thắng mưa", “xua tan dịch bệnh”, làm việc “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, xuyên Tết, nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa công trình vào sử dụng và đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng sự mong mỏi của người dân, doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhận định, một số dự án còn chậm tiến độ, đội vốn, chia nhỏ gói thầu, chất lượng chưa đồng đều. 

cao toc mai son 1 605 1460.jpeg
Chính phủ đã nỗ lực hết mình để hoàn thành, sớm đưa các công trình giao thông trọng điểm vào sử dụng 

“Một số đoạn, tuyến cao tốc chưa xây dựng đủ 4 làn xe, chưa có trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp; hoàn trả đường dân sinh, hậu cần còn bất cập...”, người đứng đầu Chính phủ nói.

Thủ tướng đưa ra nhiều giải pháp để “phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ hoàn thành mục tiêu ít nhất có 3.000 km đường bộ cao tốc”.

Trong đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp luật. Thủ tướng nhấn mạnh giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về nguồn nguyên vật liệu; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ biến động giá nguyên, vật liệu…

Kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia

Liên quan tới vấn đề đảm an ninh năng lượng được nhiều đại biểu đề cập tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, chất vấn, nhất là cách để không lặp lại tình trạng thiếu điện như tháng 6/2203, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo từ sớm, từ xa về việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, về cơ bản an ninh năng lượng được đảm bảo, tuy nhiên trong năm nay đã xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ tại miền Bắc vào cuối tháng 5, đầu tháng 6, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Hiện tổng công suất nguồn đạt trên 70.000 MW, nhu cầu thực tế chỉ cần khoảng 52.000 MW.

Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã dẫn đến tình trạng thiếu điện cục bộ khu vực miền Bắc nhưng nguyên nhân chủ quan là chính.

Cụ thể, theo Thủ tướng, do nắm tình hình, xây dựng kế hoạch truyền tải, điều độ và khâu phân phối; trong đó việc đầu tư phát triển mạng lưới truyền tải, phân phối điện chưa được quan tâm đúng mức trong một thời gian dài. Mặt khác, công tác điều độ điện lực có những hạn chế, bất cập; phân bổ nguồn điện giữa các vùng miền chưa hợp lý…

Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết đảm bảo giữ vững an ninh năng lượng quốc gia. Để thực hiện việc này Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu điện.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8; nâng cao hiệu quả các khâu truyền tải, điều độ và phân phối, trong đó đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc.

Thị trường mua bán điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế khuyến khích phát triển nguồn điện áp mái tự sản, tự tiêu sẽ sớm được ban hành. 

Bảo đảm đủ xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng và tăng cường hợp tác quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng xanh, sạch, công bằng gắn với cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Lý do 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra

Thủ tướng cho biết dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); GDP bình quân đầu người; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong.

Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế, tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5%, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu…