- Sáng nay, 4/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác của Chính phủ đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) về kết quả quá trình tái cấu trúc tại Tập đoàn này.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn VNPT sáng 4/8.

Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc với Thủ tướng và đoàn công tác, Chủ tịch HĐTV VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết, trước tái cấu trúc, mô hình Tập đoàn bất cập, nhiều trung gian, chưa tập trung cho sự phát triển, chồng chéo, phân tán nguồn lực, rất khó tối ưu hóa mạng lưới. Tập đoàn khi ấy có tiềm năng mạnh về CNTT nhưng lại chưa có sản phẩm nào thực sự nổi bật, được công nhận. Hiệu quả đầu tư còn thấp, cũng đã xúc tiến một số dự án đầu tư quốc tế nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể; Việc thay thế cán bộ khó khăn vì thiếu chỉ số đánh giá, không định lượng được....

Sau 3 giai đoạn tái cấu trúc, Tập đoàn đã chia thành 3 lớp minh bạch, rõ ràng là hạ tầng, kinh doanh và dịch vụ, 3 Tổng công ty Kinh doanh, Hạ tầng, Dịch vụ được thành lập, số lượng nhân viên kinh doanh tăng từ 4000 lên 15.000 người... Tập đoàn cũng chuyển hướng sang dịch vụ CNTT, thành lập 63 trung tâm CNTT tại 63 tỉnh, thành phố để cung cấp dịch vụ CNTT, phục vụ mục tiêu hướng tới Chính phủ điện tử của Chính phủ. Đối với công tác quản trị nhân lực, Tập đoàn áp dụng mô hình quản trị hiện đại của các tập đoàn viễn thông lớn trên thế giới như thẻ điểm cân bằng, trả lương theo công cụ 3Ps...

Sau tái cấu trúc, các chỉ số tài chính quan trọng như doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước và thu nhập của người lao động của Tập đoàn đều tăng so với trước khi tái cấu trúc. Trong đó, tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2011-2015 đạt 213.165 tỷ (không bao gồm MobiFone, VnPost, Học viện CNBCVT), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 15,7%/năm). Tổng lợi nhuận đạt 34.091 tỷ đồng, đạt 92,1% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,7%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 - giai đoạn trọng điểm tái cơ cấu VNPT - lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm). Tổng lợi nhuận hợp nhất giai đoạn 2011-2015 (không bao gồm MobiFone, VnPost, Học viện CNBCVT) đạt 12.240 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 2,1%/năm (riêng giai đoạn 2013-2015 tăng trưởng bình quân 17,9%/năm).

Đánh giá về kết quả tái cơ cấu của Tập đoàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ luôn chỉ đạo quyết liệt vấn đề này trên tinh thần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Tại cuộc làm việc với Tập đoàn mới đây, Bộ đã đặc biệt lưu ý 4 điểm lớn với Tập đoàn là mục tiêu phát triển, kinh doanh, công nghệ và con người, nhất là công nghệ phải luôn đi trước đón đầu, nắm bắt xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới để có thể cạnh tranh được và vươn ra thị trường quốc tế.

"VNPT cần tạo sự khác biệt bằng chất lượng dịch vụ, chuyên biệt, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đặc biệt, cần làm chủ công nghệ, tránh phụ thuộc doanh nghiệp nước ngoài", Bộ trưởng chỉ đạo. Ông cũng yêu cầu VNPT đẩy nhanh công tác thoái vốn, đầu tư có trọng điểm, chủ động nắm bắt cơ hội để đầu tư hiệu quả 4G; tham gia tích cực vào hoạt động đảm bảo an toàn, an ninh thông tin quốc gia...

Chính phủ đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT

Lắng nghe báo cáo của VNPT và ý kiến của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao kết quả tái cấu trúc của VNPT khi chỉ trong một khoảng thời gian không dài, Tập đoàn đã đạt được những kết quả khả quan như công tác quản trị doanh nghiệp tốt hơn, chất lượng dịch vụ cải thiện, không những bảo tồn vốn Nhà nước mà còn có bước phát triển, doanh thu, lợi nhuận và nhiều mặt khác đều tăng trưởng tốt. "Đây chính là những mục tiêu rất quan trọng của quá trình tái cấu trúc", ông khẳng định.

Thủ tướng cũng chia sẻ, tái cấu trúc là một việc khó nhưng Tập đoàn VNPT bước đầu đã làm hết sức thành công, rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm, kể cả thành công lẫn bất cập, cho việc tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước khác.

Bài học đầu tiên chính là quyết tâm quyết liệt của Đảng ủy, lãnh đạo Tập đoàn trong quá trình TCC. "Ý chí rất quan trọng. Thường thì người ta rất ngại Tái cơ cấu vì vừa va chạm, lại nhiều rủi ro. Báo cáo của VNPT đã thể hiện rõ một điều là làm việc gì cũng cần quyết tâm, nhất là những việc khó", ông nói.

"Viễn thông là một ngành mũi nhọn, giữ vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Không chỉ đóng góp lớn cho GDP mà viễn thông còn liên quan đến vấn đề chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Nếu VNPT tái cơ cấu thành công thì sẽ đóng góp lớn cho mục tiêu phát triển ngành viễn thông, hội nhập quốc tế của Việt Nam".

Thủ tướng cũng tỏ ra ấn tượng với những biện pháp Tập đoàn đã áp dụng, nhất là việc coi trọng khoa học công nghệ để tăng giá trị gia tăng, năng suất lao động. Ông nhấn mạnh, hạ tầng viễn thông Việt Nam là 1 trong 10 hạ tầng hiện đại trên thế giới. Tập đoàn cần phát huy tốt hạ tầng này, bám vào hạ tầng đó để triển khai các dịch vụ của mình.

Từ quá trình tái cấu trúc của VNPT, Thủ tướng cho rằng có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm giá trị như chú trọng sản xuất công nghiệp công nghệ cao, tiến tới tự chủ về mặt công nghệ; năng suất lao động cao hơn thời kỳ trước tái cơ cấu nhờ chú trọng lao động trực tiếp; lãnh đạo Tập đoàn đoàn kết, hợp lực tái cơ cấu; Công tác cán bộ đã quan tâm đến cán bộ trẻ, có đức có tài.

"Nhiều tập đoàn Nhà nước có bệnh "người tài hay người nhà" tương đối nghiêm trọng: bệnh sân sau, người nhà rất nặng. Tập đoàn đã tránh được điều đó. Tái cấu trúc nhưng không có đơn thư tố cáo, khiếu nại chứng tỏ việc sử dụng cán bộ đã vì lợi ích chung", Thủ tướng chỉ ra.

Tuy vậy, ông cũng lưu ý một số tồn tại, bất cập như chưa hoàn thành toàn diện được việc Tái cấu trúc theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong khâu thoái vốn.

Chính phủ xác định viễn thông phải tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn mới, do đó, Thủ tướng đề nghị VNPT có giải pháp cụ thể để lãi cao hơn, bảo toàn vốn Nhà nước tốt hơn, đặc biệt thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. "Cần đặt việc tối đa hóa giá trị cho chủ sở hữu là Nhà nước làm nhiệm vụ hàng đầu. Đây cũng là tiêu chí để Chính phủ đánh giá hiệu quả tái cấu trúc, hiệu quả điều hành", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn phấn đấu đưa VNPT lên vị trí hàng đầu về mạng trục, vệ tinh, dù đây là nhiệm vụ không dễ trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Đặc biệt, cần phát triển thương hiệu VinaPhone đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế; Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ, sản phẩm CNTT, trong đó Tập đoàn cần phát triển được một số sản phẩm công nghệ viễn thông của riêng mình; Tích cực bắt tay với các địa phương, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử do VPCP chủ trì;

"Chính phủ cam kết sẽ luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện hỗ trợ VNPT thành thương hiệu quốc gia hàng đầu về CNTT", Thủ tướng kết luận.

Trọng Cầm

Cũng trong sáng nay, 4/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn và đoàn công tác đã đến dự và nhấn nút khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S. Tính đến thời điểm này, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên đáp ứng nhu cầu liên lạc trên toàn bộ không gian lãnh thổ Việt Nam bao gồm cả vùng biển, vùng trời, biên giới, hải đảo, …

{keywords}

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) nhấn nút khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S.



Với Vinaphone-S, sóng di động sẽ được mở rộng ra biển và vùng cao, cho phép liên lạc không phụ thuộc điều kiện địa lý, thời tiết. Vùng bao phủ trải rộng trên 140 quốc gia trải rộng từ Châu Âu, Bắc và Trung Phi, Trung Đông, Trung Á, các tiểu lục địa Ấn Độ, vùng Viễn Đông, Australia.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong điều kiện thị trường di động đã bão hòa, việc đầu tư, nghiên cứu dịch vụ mới có vai trò rát quan trọng. "Việt Nam là quốc gia tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", rất khó phủ sóng toàn bộ lãnh thổ do điều kiện địa lý phức tạp. Với dịch vụ di động vệ tinh, VNPT đã tìm ra một dịch vụ khác biệt mà các đối thủ khác không có".

Ông đánh giá đây là dịch vụ có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, đặc biệt giúp đỡ nhu cầu liên lạc của ngư dân đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và phát triển kinh tế tại các vùng đặc biệt khó khăn, cũng như yêu cầu liên lạc của các cơ quan chức năng trong tình huống khẩn nguy (thiên tai, dịch họa).

"Tôi đánh giá cao những nỗ lực của Tập đoàn và mong muốn VNPT tham gia tích cực hơn nữa trong việc phát triển các dịch vụ CNTT - VT công ích, phục vụ xã hội", Thủ tướng chia sẻ.