Ngày 31/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành TN&MT do Bộ TN&MT tổ chức.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, trong năm 2023, toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước thông suốt, nhiều kết quả quan trọng đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận và nhân dân đánh giá cao.

Năm 2024, toàn ngành TN&MT xác định các khâu đột phá để tăng tốc phát triển là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đảm bảo đồng bộ; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội.

thu tuong pham minh chinh 1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành TN&MT. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của ngành TN&MT đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện nay, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Công tác quản lý tài nguyên với nhiều kết quả quan trọng, toàn ngành đã chủ động thực hiện sớm các giải pháp để đảm bảo các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế như đất đai, tài nguyên nước, thông tin, số liệu về khí tượng thủy văn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Thống nhất với các nhiệm vụ năm 2024 mà ngành TN&MT đã xác định, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ TN&MT xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả; xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ đủ năng lực, uy tín, ngang tầm những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm liên quan đến đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên.

Ngành TN&MT cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp gần nhất. Tổ chức triển khai thi hành luật ngay sau khi được thông qua.

Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết; đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm.

Tuy nhiên, phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

thu tuong chia se.jpeg
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự hội nghị.

Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà, 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Thủ tướng yêu cầu ngành TN&MT triển khai kế hoạch hành động tăng cường sức chống chịu, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu. Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa, tăng mạng lưới khí tượng thủy văn, trạm ra đa, mạng lưới quan trắc, nâng cao chất lượng dự báo.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.