Đó là nội dung đáng chú ý trong Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Chỉ thị nêu rõ, những tháng đầu năm 2024, thị trường lúa gạo khu vực và thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tâm lý một số doanh nghiệp và người nông dân. Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT và một số cơ quan liên quan, tình hình xuất khẩu gạo vẫn thuận lợi, nhu cầu gạo của các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao do tác động của hiện tượng El Nino và xung đột vũ trang.

Nhưng hiện nay, tại các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch lúa vụ đông xuân nhưng có hiện tượng doanh nghiệp chờ đợi giá lúa xuống thấp còn người dân mong muốn bán được giá lúa cao như các tháng cuối năm 2023. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm mất cơ hội xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập của người trồng lúa.

gao xuat khau 1375 1.jpg
 Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa, gạo bền vững. Ảnh Hoàng Hà

Do đó, để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo lành mạnh, minh bạch, phản ứng linh hoạt, kịp thời trong tình hình thị trường có nhiều biến động, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, lãnh đạo các tổng công ty: Lương thực miền Bắc (Vinafod 1), Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 5/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức thu hoạch lúa vụ đông xuân theo đúng thời vụ, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất sau thu hoạch; kịp thời chỉ đạo tổ chức sản xuất vụ hè thu;

Bộ chủ trì, phối hợp theo dõi sát tình hình, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về diễn biến thị trường lúa, gạo để người dân, doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030"; Chỉ đạo đẩy nhanh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp...

Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới; đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu thúc đẩy việc triển khai sàn giao dịch hàng hóa nông sản, trong đó có sàn giao dịch thóc gạo để đảm bảo công khai, minh bạch trong kinh doanh lúa, gạo. Nghiên cứu tinh giản đầu mối xuất khẩu gạo, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng không quá phân tán, hiệu quả kinh doanh, uy tín của gạo Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng thí điểm các mô hình đưa các "thương lái" vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa, gạo để vừa phát huy vai trò là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp, vừa hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho các bên tham gia chuỗi giá trị.