Trong kinh doanh, mức độ hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thành công của doanh nghiệp. Đây là điều kiện cần để giữ chân được các nhóm khách hàng tiềm năng cũng như xây dựng được hệ thống đối tượng khách hàng trung thành cho doanh nghiệp.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với tác động của dịch Covid-19 làm cho các hình thức thanh toán điện tử ngày càng được đẩy mạnh, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là thói quen sử dụng tiền mặt và với tâm lý người dân còn e ngại các dịch vụ thanh toán mới khiến tốc độ tăng trưởng thanh toán điện tử vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay nhiều đơn vị thanh toán, đang phải dành nhiều chi phí để thu hút người dùng sử dụng dịch vụ. Tiếp theo là chính sách cần được thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động nhiều hơn trong ứng dụng công nghệ mới, phương thức thanh toán mới, nền tảng công nghệ mới vào thực tế của thị trường.
Khi thanh toán không dùng tiền mặt phát triển, tất cả người dân và doanh nghiệp sẽ được thụ hưởng. Đặc biệt là nhóm những người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp; doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh.
Để thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách đẩy mạnh công tác truyền thông và phối hợp với cơ quan báo chí để thực hiện các chương trình truyền thông nhằm khuyến khích người dùng sử dụng thanh toán điện tử và lan toả rộng rãi đến đại bộ phận người dân. Đặc biệt là thông tin đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… tạo cơ hội cho họ tiếp cận với các hình thức thanh toán điện tử nhiều hơn. Cùng với đó, các công ty cần cải thiện về quy trình vận hành, bán hàng, sớm tích hợp với các kênh thanh toán tiện lợi để mang tới cho nhân viên và người dùng cuối trải nghiệm xuyên suốt về dịch vụ.
Điều này bao gồm thiết lập nền tảng thương mại điện tử và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc để người tiêu dùng có thể mua sắm và thanh toán theo cách họ muốn. Khi ranh giới giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đang dần biến mất, doanh nghiệp áp dụng hình thức thương mại đa kênh, tích hợp các dịch vụ kỹ thuật số như thanh toán thông minh và ứng dụng hỗ trợ vào cửa hàng truyền thống. Kết quả đem đến là một hành trình mua sắm liền mạch với những đổi mới trong thanh toán, góp phần phát triển một xã hội không tiền mặt tại Việt Nam, mang lại những đổi mới tiến bộ về tính an toàn, bảo mật và tiện lợi.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã triển khai nhiều dịch vụ trực tuyến, máy ATM đa chức năng… với các thao tác đơn giản giúp người dân có thêm điều kiện sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Các ứng dụng, dịch vụ về thanh toán không dùng tiền mặt, như: Mã QR, mobile banking, ví điện tử… xuất hiện nhiều hơn không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích, như: thanh toán hóa đơn, thương mại điện tử, mua vé xem phim, vé máy bay, tour du lịch… Ngược lại, người dân có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau…
Nhiều chương trình ưu đãi khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng, an toàn, tiện lợi. Hạ tầng công nghệ phục vụ thanh toán điện tử, thanh toán thẻ cũng ngày càng được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả, công nghệ thanh toán điện tử hiện đại, công tác đảm bảo an toàn an ninh hệ thống thanh toán điện tử được coi trọng và tăng cường.
Từ những thay đổi trong cách tiêu dùng của người dân, các cửa hàng cũng nhanh chóng thích ứng, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thanh toán và bán hàng trên môi trường mạng. Bắt kịp xu thế, các cơ sở dần thay đổi phương thức kinh doanh, ngoài việc bán trực tiếp tại cửa hàng, còn đẩy mạnh bán hàng qua mạng và thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản ngân hàng, quẹt thẻ ATM nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế và là sự lựa chọn của nhiều người thời gian tới, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong chi tiêu, mua sắm và kinh doanh, hướng đến xây dựng chính quyền số, công dân số trong tương lai.