Biến đổi khí hậu hiện đang là một thách thức nghiêm trọng đối với nhân loại bởi những tác động tiêu cực đem lại. Khí nhà kính, nhiệt độ bề mặt, sức nóng ngày càng tăng, băng tan và mực nước biển dâng… đe dọa nghiêm trọng đến các hoạt động phát triển bền vững. Việc thay đổi để đảm bảo các mục tiêu toàn cầu về thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước, biến đổi khí hậu đang ngày càng cấp bách. Và thay đổi lối sống, sống xanh đang là trào lưu ngày càng được nhiều người hưởng ứng để góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.

Sống xanh đang là lối sống ngày càng được nhiều người hưởng ứng.

Một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm có cam kết “xanh” và “sạch”. Mới đây, PwC đã thực hiện một cuộc khảo sát trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam về “Thói quen tiêu dùng” và kết quả cho thấy hơn 47% người tham gia khảo sát cho biết họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tự phân hủy. 

Tại Việt Nam, sống xanh đang dần trở thành xu hướng được trải rộng khắp từ nông thôn đến thành thị. Sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động tới người dân lối sống lành mạnh, có ý thức bảo vệ môi trường ngày càng được triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao. 

Tại Hội thảo “Xây dựng ý thức cộng đồng trong tiêu dùng bền vững”, sự kiện nằm trong triển lãm “Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành” với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội từ 21 - 23/07/2023, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh quốc gia Bộ Công thương cho biết: Khái niệm sản xuất tiêu dùng bền vững còn mới tại Việt Nam. Việt Nam cần thời gian để thay đổi nhận thức, tư duy, thói quen của người tiêu dùng và cả doanh nghiệp. Ủy ban cạnh tranh quốc gia Bộ Công thương thời gian tới sẽ đưa ra nhiều sản phẩm, nhiều chương trình để dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng hướng tới tiêu dùng bền vững. 

Để thúc đẩy lối sống xanh, tiêu dùng bền vững, cũng tại sự kiện này, bà Trần Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh GreenHub, người đã có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực quản lý môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển cộng đồng cho biết: Cần tạo thói quen từ những việc nhỏ, phong trào nhỏ nhưng có sức lan tỏa mạnh. Ví dụ như những bà nội trợ xách làn đi chợ, chị em văn phòng có những túi xách thân thiện môi trường gọn nhẹ để trong cốp xe, các em học sinh dùng chai, cốc tái sử dụng thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần… Bà Hoa cũng cho biết thêm, câu chuyện tiêu dùng bền vững còn hướng đến dùng vừa đủ chứ không phải thoải mái, lãng phí. 

Được biết, chuỗi sự kiện triển lãm “Tiêu dùng xanh – Cùng sống lành” với chủ đề “Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững trong hệ thống phân phối hiện đại” bao gồm Hội thảo “Xây dựng ý thức cộng đồng trong tiêu dùng bền vững”; Tọa đàm “Vai trò công nghệ trong tiêu dùng bền vững”, chia sẻ mô hình hoạt động liên quan đến bảo bệ môi trường, đến lối sống xanh, phong cách sống xanh; Giới thiệu dự án zero waste lan tỏa trong người trẻ…

Chương trình là cơ hội để nắm bắt tình hình thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, mức độ nhận biết của người tiêu dùng về các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường. Thông qua Chương trình, doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu và kết nối với các mô hình, đối tác sản xuất xanh, tăng cường giới thiệu, mở rộng phạm vi sản xuất, kinh doanh của mình. Người tiêu dùng có cơ hội trải nghiệm các sản phẩm tiêu dùng xanh, tham gia các hoạt động tương tác để nâng cao kiến thức và nhận thức về tiêu dùng bền vững, về vai trò của người tiêu dùng trong quá trình thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững. 

Vũ Thị Huệ, Nguyễn Thị Thu Hằng, Phùng Thu Thủy