"Các kế hoạch thành lập quân đội EU được giữ kín không cho cử tri biết" – đó là câu chuyện được đăng trên trang nhất báo Times ngày 27/5.

{keywords}

EU hiện đang thực hiện 6 sứ mệnh quân sự và 11 chiến dịch dân sự. (Ảnh: AP)

 

Nhưng theo báo The Guardian, nếu tuyên bố trên nghe quen quen thì đó là bởi chỉ mới hai ngày trước, một tư lệnh quân đội Anh về hưu, Thiếu tướng Tim Ross, nói trên trang Daily Express rằng EU "đang tiến vững tới một liên minh chính trị toàn diện và tất cả những gì đi kèm", trong đó có "các lực lượng vũ trang thống nhất".

Ngày 27/5, Nigel Farage - một lãnh đạo đảng Độc lập Anh (Ukip) – cáo buộc phe muốn ở lại EU dối trá về các động thái nhằm tạo ra một quân đội như vậy. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox cảnh báo, các ý định phòng thủ của châu Âu là một sự "ảo tưởng nguy hiểm" có nguy chia lìa Anh khỏi Mỹ, "đồng minh quyền lực nhất và thân cận nhất của chúng ta".

Liệu có đúng như vậy?

Theo báo The Guardian, không có gì bí mật khi EU có một chính sách an ninh và quốc phòng chung. Tony Blair chính là người đã thực sự tạo ra chính sách này khi ông ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Jacques Chirac năm 1998. Sự hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên EU càng có thêm sức nặng khi liên minh cập nhật các hiệp ước của khối, với một điều khoản phòng thủ chung được nêu trong Hiệp ước Lisbon yêu cầu các thành viên phải hỗ trợ lẫn nhau.

Cũng không có gì bí mật khi một số người muốn chứng kiến EU có một quân đội toàn diện. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker từng nêu quan điểm EU cần một quân đội để chứng tỏ cho Nga thấy khối này nghiêm túc chuyện bảo vệ các giá trị của mình.

Nhưng liệu có một cơ hội thực sự để điều đó trở thành hiện thực? Không.

Thực tế EU hiện nay đang thực hiện 6 sứ mệnh quân sự cùng với 11 chiến dịch dân sự, hầu hết ở vùng Balkan, Trung Đông và châu Phi. Nhưng binh lính đang thực hiện các sứ mệnh đó không đứng dưới ngọn cờ của một quân đội EU, mà là các lực lượng quốc gia. Hải quân Hoàng gia Anh chỉ huy chiến dịch EU chống lại cướp biển Somalia; quân Pháp đang đạo tạo cho bộ binh ở Mali.

Chính sách quốc phòng của EU vẫn nằm trong tay các chính phủ thành viên, chứ không phải dưới quyền điều hành của khối. Vào cuối tháng 6, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini sẽ vạch ra một "chiến lược toàn cầu về chính sách ngoại giao và an ninh". Tài liệu có tiêu đề hoành tráng này sẽ yêu cầu sự hợp tác quân sự và an ninh chặt chẽ hơn trong khối, một mục tiêu được nhiều nước ủng hộ, trong đó có Đức.

Và, trái ngược với thông tin trên báo chí, chiến lược kể trên không đề nghị thành lập một quân đội EU.

"Chắc chắn không có kế hoạch thành lập một quân đội EU với chiến lược toàn cầu", báo The Guardian dẫn lời một phát ngôn viên của bà Mogherini.

Mỹ phản đối hợp tác phòng thủ EU?

Không có chuyện đó. Một cựu đại sứ Mỹ tại NATO nói rõ rằng Washington sẽ hoan nghênh một quân đội EU nếu nó nhằm giải quyết "một sự suy giảm mạnh và rõ rệt các năng lực của châu Âu". Viết trên báo The Finiancial Times hồi tháng 3, ông Ivo Daalder than thở "các vấn đề của châu Âu" không phải là chuyện thiếu một quân đội, mà là việc khối này thiếu một cam kết nghiêm túc về phòng thủ - ở tầm quốc gia, châu lục và cả xuyên Đại Tây Dương.

Thanh Hảo