- Với thuế suất nhiều linh kiện giảm về 0%, nhiều người hy vọng giá xe ô tô từ 2.0L trở xuống lắp ráp trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, theo các DN ô tô FDI, thì xe lắp ráp trong nước khó có chuyện giảm giá.
Thuế giảm nhanh...
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, ngành về đề xuất giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô. Nhiều dòng thuế có thể về 0% từ năm 2016. Chẳng hạn, với xe con dưới 2.0L, cơ quan chức năng dự tính sẽ điều chỉnh thuế suất 7 mặt hàng trong nhóm động cơ và các bộ phận như hộp số, cụm bánh xe, bật lửa điện.
Cụ thể, thuế nhập khẩu động cơ ôtô Hàn Quốc có thể giảm từ 20% xuống bằng mức cam kết trong FTA Việt Nam - Nhật Bản là 3% từ năm 2016. Với các bộ phận khác như hộp số, cụm bánh xe của Nhật, Hàn,... sẽ giảm xuống 5% thay vì 12-20% như kế hoạch trước đó. Một bộ phận khác là bật lửa điện cũng được đề xuất đẩy nhanh quá trình giảm thuế nhập khẩu theo hướng về 0% vào năm 2016.
Ngoài ra, 5 dòng hàng thuộc nhóm động cơ, hộp số và phụ kiện của xe tải Hàn Quốc và Nhật Bản cũng được đề xuất giảm thuế nhập khẩu xuống 0% vào năm 2016, thay vì 2018-2019 như kế hoạch ban đầu.
Việt Nam chưa phát triển công nghiệp hỗ trợ |
Bộ Tài chính cho rằng, ngành sản xuất lắp ráp được định hướng chuyển sang nhập khẩu linh kiện, phụ tùng từ các đối tác công nghệ cao, tạo động lực đột phát cho ngành sản xuất trong nước.
Với thuế suất nhiều linh kiện giảm về 0%, nhiều người hy vọng giá xe ô tô từ 2.0L trở xuống lắp ráp trong nước sẽ giảm. Tuy nhiên, theo các DN ô tô FDI, thì xe lắp ráp trong nước khó có chuyện giảm giá.
Theo ý kiến của một DN ô tô FDI Nhật Bản, hiện trên 50% số linh kiện phục vụ lắp ráp ô tô tại Việt Nam có nguồn cung cấp tại khu vực ASEAN. Theo quy định hiện hành, nếu các linh kiện này đạt xuất xứ hàng hóa theo Form D (có ít nhất 40% hàm lượng nội địa) thì thuế nhập khẩu ở mức 0%-5%.
Hầu hết các DN ô tô FDI tại Việt Nam đã có chứng nhận xuất xứ Form D và đã được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi rồi. Chỉ có tỷ lệ nhỏ các linh kiện công nghệ cao nhập từ Nhật Bản, châu Âu nên việc hạ thuế linh kiện ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc về 0%, giá xe không bị tác động nhiều.
Giá xe nếu có giảm chỉ rơi vào một số mẫu của Hàn Quốc đang lắp ráp tại Việt Nam nhờ được giảm thuế động cơ và hộp số, đơn cử như mẫu Santa Fe, Avante của Hyundai và Kia Morning, K3, Sorento, Carent, Sedona,...
Nhưng không hiệu quả?
Mục đích mà Bộ Tài chính mong muốn, thông qua việc điều chỉnh giảm thuế linh kiện lần này, sẽ tác động tích cực tới việc triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô, theo các chuyên gia, cũng chẳng đem lại hiệu quả.
Lý do đơn giản là chỉ 3 năm nữa, việc nhập ô tô nguyên chiếc về Việt Nam phân phối sẽ dễ dàng và cạnh tranh hơn nhiều so với nhập linh kiện về lắp ráp. Vào 2018, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0%, nếu nhập linh kiện để lắp ráp xe còn tốn kém hơn nhập nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia hay Malaysia.
Tại các nước khác, khi tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô lên 40% thì thuế được giảm là điều chắc chắn, nhưng ở Việt Nam thì không |
Chính vì vậy, đến nay chưa thấy DN ô tô FDI nào cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam để phát triển sản xuất. Đối với các thương hiệu quốc tế đang có cơ sở sản xuất khác trong ASEAN, lợi ích chung về bán xe sẽ không có gì thay đổi, chỉ là xe lắp ráp tại Việt Nam hay nhập khẩu nguyên chiếc.
Nếu nghĩ đến thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước thì Bộ Tài chính cần tính đến việc xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi cho các DN ô tô từ sớm, chứ không phải vào thời điểm này, ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), phát biểu.
Theo ông Huyên, chính sách đối với công nghiệp ô tô của Việt Nam thời gian dài qua chỉ ưu đãi cho lắp ráp chứ không khuyến khích sản xuất, tăng nội địa hóa. Các DN chỉ cần đầu tư một dây chuyền đơn giản, chi phí thấp, thực hiện 4 công đoạn cuối cùng là hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định, rồi nhập toàn bộ linh kiện về lắp ráp ô tô là được hưởng ưu đãi thuế thấp hơn từ 1/2-1/3 so với nhập xe nguyên chiếc.
Nay giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% thì giống như vậy, cũng chỉ ưu đãi cho các DN lắp ráp. Nếu vậy thì khó hình thành ngành công nghiệp ôtô, vì lắp ráp chỉ chiếm 6% giá trị một chiếc xe, ông Huyên nói. Trong khi đó, tại Indonessia từ lâu đã áp dụng chính sách: nếu DN ô tô có tỷ lệ sản xuất trong nước cao thì thuế nhập khẩu linh kiện còn lại được ưu đãi, giảm thấp dần về mức 0%.
Tại các nước khác, khi tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô lên 40% thì thuế được giảm là điều chắc chắn, nhưng ở Việt Nam thì không, ông Huyên cho hay.
Theo ông Huyên, ngay cả khi thuế nhập khẩu ô tô về 0% thì xe trong nước chưa chắc đã rẻ. Lý do: các DN FDI hiện độc quyền phân phối xe nhập khẩu, đương nhiên, khi đó giá xe sẽ do họ quyết định và chẳng thể rẻ được. Khách hàng có nhu cầu, không mua của họ thì khó mà mua được của ai khác.
Người dân Việt Nam chỉ thực sự được hưởng xe giá rẻ khi ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển mạnh, đáp ứng hầu hết nhu cầu, giống như Thái Lan và Indonesia hiện nay. Còn chỉ dựa vào lắp ráp và nhập khẩu thì không thể. Công nghiệp ô tô Việt Nam khó có cơ cơ hội phát triển nữa, vì thế cũng đừng hy vọng sẽ đến ngày được sở hữu ô tô giá rẻ, ông Huyên nhận định.
Trần Thủy