Chiều nay (29/9), trao đổi với VietNamNet, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, đêm qua mưa lớn, nước dâng cao gây ngập úng nhiều nhà dân ở các xã Thanh Mỹ, Thanh Liên, Thanh Đức, Ngọc Lâm... Chiều nay, trời vẫn tiếp tục mưa lớn và đêm nay nước tiếp tục dâng cao khi thủy điện xả lũ.

"Ngoài trời vẫn đang còn mưa rất lớn, nước mới rút lại tiếp tục dâng cao khi thủy điện Khe Bố thông báo xả lũ từ lúc 15h chiều nay (29/9). Đêm nay nguy cơ ngập lụt nặng hơn, nhất là các hộ ở ven sông" - ông Nhã lo lắng khi đang chỉ đạo phòng, chống lụt bão.

Thông báo xả lũ của thủy điện Khe Bố cho thấy, mực nước ở hồ cao trình hơn 64m, lưu lượng nước đổ về là 890m3/giây. Để đảm bảo công tác điều hành hồ chứa được an toàn, Nhà máy thủy điện Khe Bố sẽ xả nước qua khoang đập tràn và các tổ máy tương đương lượng nước đổ về hồ.

Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An (bên phải) chỉ đạo trực tiếp ở các xã ngập lụt - Ảnh NVCC

Chủ tịch UBND thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) Tưởng Đăng Hào cũng cho biết, ở trên địa bàn trời vẫn tiếp tục mưa to, cán bộ đã trực tiếp đến các hộ dân ven sông Lam cảnh báo về mực nước sẽ dâng cao khi thủy điện xả lũ.

"Chiều tối nay, 18 hộ dân nguy cơ bị ngập lụt ở ven sông sẽ được các lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ di dời lên vùng an toàn. Khi thủy điện xả lũ, nguy cơ ngập lụt các hộ ven sông là rất cao. Riêng những hộ dân hành nghề chài lưới trên sông đã dùng bạt bọc thuyền neo đậu và lên bờ trú ẩn an toàn" - ông Hào chia sẻ.

Ông Tưởng Đăng Hào - Chủ tịch UBND thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) cùng đoàn đi kiểm tra các hộ dân sinh sống, hành nghề bên sông Lam - Ảnh: NVCC

Theo báo cáo của huyện Thanh Chương, trên địa bàn xảy ra mưa rất to với lượng mưa trung bình 150 – 180mm, một số nơi lượng mưa lên tới 336mm như ở xã Thanh Mỹ và xã Thanh Thuỷ làm ngập lụt nhiều nơi.

Trước đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở các xã, thị trấn tổ chức túc trực 24/24, đồng thời huy động lực lượng xung kích tổ chức di dời ngay trong đêm 780 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ngập lụt và sạt lở đất.

Cũng theo ông Nhã, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ, kịp thời ứng cứu và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Do đó, đã kịp thời di dời người và tài sản.

Chính quyền thị trấn Dùng (huyện Thanh Chương) giúp người dân di chuyển đến nơi an toàn - Ảnh: NVCC

Thông tin về kết quả thiệt hại ban đầu, về người có ông Nguyễn Hữu Hoàng (SN 1983), trú tại xóm Lam Hồng, xã Ngọc Sơn, vào lúc 3 giờ sáng đi thả lưới đánh cá bị nước cuốn trôi. Sau nhiều giờ tìm kiếm, các lực lượng chức năng đã trục vớt được thi thể ông Hoàng và bàn giao cho gia đình mai táng.

Thông tin nhanh từ xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương có hơn 700 con vịt, gà, ngan bị thiệt hại và 6 con lợn bị chết - Ảnh: CTV

Riêng về tài sản, có 776 ngôi nhà bị ngập và 3 điểm trường học bị ngập lụt. Hơn 2.000m bờ rào của hộ dân, trường học và trụ sở UBND các xã bị đổ sập. Về gia cầm có hơn 3.000 con bị chết, lũ cuốn trôi; 34 con lợn và 2 con bò bị thiệt hại.

Nhà bị ngập lụt ở huyện Thanh Chương - Ảnh: T.T.
Ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương lo lắng đêm nay thủy điện xả lũ sẽ gây ngập các hộ dọc sông Lam - Ảnh: T.T 
Nước tràn qua cầu ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương khiến rác mắc kẹt - Ảnh: Kha Kiều
Cây cầu ngập rác, củi từ thượng nguồn đổ về - Ảnh: Kha Kiều
Chính quyền địa phương  huyện Thanh Chương và lực lượng tại chỗ ở các xã túc trực 24/24 làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân chạy đua với lũ lụt - Ảnh: NVCC

XEM CLIP: Nỗ lực khắc phục sạt lở núi tắc đường ở Nghệ An  - (clip Trần Tuyên) 

Chiều nay (29/9), theo báo cáo nhanh của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), nước dâng cao đã tràn vào nhà 5.559 hộ ở các xã: Quỳnh Lâm, Quỳnh Yên, Quỳnh Mỹ, Quỳnh Hồng, Ngọc Sơn, Quỳnh Tam, Quỳnh Thọ… 8 hộ dân tại xã Quỳnh Tam, Quỳnh Nghĩa phải di dời; 701 hộ tại xã Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn, Tân Thắng bị nước cô lập; 3 nhà dân tại xã Quỳnh Hoa, Quỳnh Tam bị tốc mái.

Trên địa bàn bị sạt lở bờ đê sông, hồ đập với tổng chiều dài 220 m tại xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Hưng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Tam, trong đó đập Hóc Cối, xã Quỳnh Tam bị sạt lở 20 m. Huyện Quỳnh Lưu đã huy động trên 150 người gồm cán bộ chiến sĩ Lữ đoàn pháo binh 16, bà con giáo xứ Phú Xuân, công an, quân sự xã, nhân dân... tích cực gia cố ngay trong đêm và đã hoàn thành.

Nhiều tuyến đường ở huyện Quỳnh Lưu cùng hơn 5.000 nhà dân bị ngập trong nước lũ - Ảnh: CTV

Diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản: 950 ha nuôi thủy sản, trong đó 106 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 5.978 gia súc, gia cầm bị chết; 4.255 tấn muối trong kho của bà con diêm dân bị ngập.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 99/101 hồ đập chảy tràn.

Trước thực trạng mưa lũ lớn, Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Lưu đã thành lập 2 đoàn công tác, trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo khắc phục khó khăn các điểm ngập lụt sâu. Đồng thời thành viên Ban chỉ huy, các Tiểu ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện, chủ tịch UBND các xã, thị trấn đã trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo triển khai phương án phòng chống theo phương châm "4 tại chỗ", khắc phục thiệt hại, hỗ trợ di dời tài sản của các hộ dân đến nơi an toàn.

Tuyến đường QL48D đang được máy múc nỗ lực khơi thông - Ảnh: Quốc Huy