Hầu hết chỉ huy tàu cảnh sát biển (CSB) còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X nhưng họ thường có vẻ già dặn hơn so với tuổi. Rất kiệm lời khi nói về mình, họ hay kể về đồng đội trên tàu. Chỉ khi gần gũi, thân quen, chúng ta mới hiểu phía sau những khuôn mặt sạm đen vì sóng gió, hằn sớm những nếp nhăn, toát lên sự cương nghị, rắn rỏi, quyết đoán là những tâm hồn đầy ắp yêu thương và cũng đầy lãng mạn…
“Nếu là con trai, tên cháu sẽ là Hoàng Sa”
Đó là chia sẻ rất thật của Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng, Phó thuyền trưởng Quân sự tàu CSB 4033, Hải đội 201, Bộ Tư lệnh vùng CSB2. Chia sẻ về lý do đặt tên này, anh Thắng cho biết đó là do khi vợ anh mang bầu đứa con đầu, anh cùng đồng đội lên đường làm nhiệm vụ trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.
Thượng úy Hoàng Mạnh Thắng hạnh phúc trong ngày cưới. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tàu CSB 4033 đã trở nên nổi tiếng với thuyền trưởng Lê Trung Thành nhưng ít ai biết được, người trực tiếp chỉ huy tàu CSB 4033 trong những ngày đầu tháng 5 ở Hoàng Sa lại là Phó thuyền trưởng Quân sự Hoàng Mạnh Thắng.
Thắng đã được giao tạm quyền chỉ huy tàu CSB 4033 lên đường gấp khi có lệnh của cấp trên mà chẳng kịp thông báo với người vợ trẻ. Lần đầu tiên trực tiếp chỉ huy tàu trên cương vị quyền thuyền trưởng, Thắng chia sẻ, bản thân hơi khớp trong ngày đầu khi mới ra thực địa.
Nhưng điều đó qua rất nhanh bởi anh xác định người thuyền trưởng không được chần chừ, do dự trước những tình trạng phức tạp trên thực địa nếu không sẽ dẫn đến hậu quả khó lường cho con tàu, cho đồng đội.
Giữa vòng vây của tàu nước ngoài, có lúc chỉ còn cách tàu ta vài mét, quyền thuyền trưởng Hoàng Mạnh Thắng vẫn bình tĩnh, tự tin, quyết đoán chỉ huy tàu theo đúng mệnh lệnh và đối sách của cấp trên. “Đây là biển của Việt Nam, của cha ông để lại, chẳng có gì phải sợ dù tàu của họ đông gấp nhiều lần, bởi chúng ta có chính nghĩa”, Thắng tâm sự.
Chính những thước phim mà tàu CSB 4033 ghi lại trên hiện trường gửi về những ngày đầu tháng 5 ấy đã trở thành bằng chứng xác thực đầu tiên phục vụ cho cuộc đấu tranh thắng lợi bằng pháp lý và ngoại giao để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sau đợt đầu, Thắng lại trở về với cương vị của mình, kề vai sát cánh, hỗ trợ đắc lực cho thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng tàu CSB 4033 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Là con một nhưng vì nhiệm vụ, Thắng đã thuê nhà và chuyển vợ mới cưới vào Đà Nẵng. Thời gian làm nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa có lẽ là thời điểm khó khăn, căng thẳng nhất từ sau ngày cưới đối với người vợ trẻ và cả đối với gia đình Thắng ở quê.
Thông tin cập nhật về anh và đồng đội đến với người thân chủ yếu là qua tivi và qua đài báo. Khi làm nhiệm vụ, anh cũng như đồng đội dành hết tâm trí, sức lực cho công việc, nỗi nhớ thương chỉ đến với họ trong giây phút tạm bình yên. “Thương vợ và lo cho con, chỉ sợ cô ấy lo nghĩ mà ảnh hưởng đến em bé”, Thắng cho hay.
Nhà thuê ngay Đà Nẵng mà hai lần về cảng tiếp dầu, thực phẩm, Thắng cũng chỉ kịp điện thoại về cho vợ. Vội vàng, gấp gáp như thời chiến. “Có thế, mới thấy giá trị của hòa bình”, Thắng trầm ngâm. Bởi riêng anh cũng hiểu giá trị của hòa bình ngay từ bé, khi bố mình là một thương binh nặng và qua những câu chuyện của bố về thời chiến.
Thực hiện nhiệm vụ đầy hiểm nguy, vợ Thắng lại mang bầu nên nỗi lo của hai bên nội, ngoại ngoài Nghệ An tăng lên gấp đôi.
“Trước khi vợ sinh, em đã điện thoại về cho ông nội xin ý kiến đặt tên con. Bố em bảo, nếu là con trai cứ đặt tên là Hoàng Sa, là con gái đặt tên là Hà Ngân”. Con gái đầu Hà Ngân của Thắng giờ đã được hơn 4 tháng và chắc hẳn sau này lớn lên sẽ được bố kể cho nghe những ngày Biển Đông dậy sóng, khi bé còn đang ở trong bụng mẹ, để lại thấu hiểu hơn giá trị của hòa bình. Đối với cái tên Hà Ngân, có lẽ ông nội của bé muốn nói tới dòng sông đầy sao như dát bạc, lấp lánh những ước mơ, ước mơ về sự bình yên và hạnh phúc.
“Con nhà tông”
Đó là cách nói vui về Đại úy Lê Tiến Kim, thuyền trưởng tàu CSB 4034, Hải đội 302, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3. Gia đình Lê Tiến Kim có thể được gọi là “gia đình lính biển”, bởi lẽ Kim có anh trai là thuyền trưởng tàu CSB khá nổi tiếng qua vụ bắt cướp biển cuối năm 2012 – thuyền trưởng Lê Hải Trường; bố hiện là giảng viên của Học viện Hải quân và người chú hiện cùng đang công tác ở Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3.
Thuyền trưởng Lê Tiến Kim trên đài chỉ huy tàu CSB 4034. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Nhà ở thành phố biển Nha Trang, hàng ngày ngắm những con tàu trên biển nên từ bé, Kim đã mơ ước được trở thành một thuyền trưởng. Năm 2003 sau khi tốt nghiệp cấp 3, Lê Tiến Kim đăng ký và thi đỗ vào Học viện Hải quân, khoa Hàng hải với chuyên ngành Kỹ sư Điều khiển tàu biển. Ra trường năm 2008, với quân lệnh Trung úy, đảm nhận cương vị Phó thuyền trưởng Quân sự đến tháng 8/2013, Lê Tiến Kim được điều động giữ chức thuyền trưởng tàu CSB 4034.
Chỉ mới 6 năm công tác nhưng người thuyền trưởng sinh năm 1985 đã được rèn luyện và thử thách trong thực tiễn như tham gia cứu hộ ngư dân, chống cướp biển, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên vùng biển Việt Nam và đặc biệt là trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc.
Ngày 17/6/2014, tàu CSB 4034 nhận lệnh xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ khi chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm. Qua 25 ngày đêm trên cương vị là thuyền trưởng, Lê Tiến Kim đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu CSB 4034 tiến hành tiếp cận, tuyên truyền, cơ động vòng tránh, bảo đảm an toàn tuyệt đối về con người và phương tiện, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng để thực thi pháp luật trên vùng biển của Việt Nam.
Chia sẻ cảm xúc khi thực hiện nhiệm vụ ở trên nhiều vùng biển khác nhau của Tổ quốc, Kim nhỏ nhẹ “Biển Việt Nam ở đâu cũng đẹp, ở Trường Sa hay ở Hoàng Sa, xúc động nhất là được ngắm nhìn cờ Tổ quốc phấp phới trên những con tàu của ngư dân bám biển, những cái vẫy tay của bà con mình khi tàu CSB đi qua, thấy ấm áp vô cùng”.
Khi được hỏi về một kỷ niệm sâu sắc trên cương vị của một thuyền trưởng CSB, Lê Tiến Kim kể về lần cứu nạn 11 ngư dân của tàu cá KH 92116TS. Chấp hành lệnh của trên, lúc 15 giờ 20 phút ngày 19/12/2013, tàu CSB 4034 xuất phát đi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tàu cá bị nạn cách đông nam đảo Phú Quý 50 hải lý, trong điều kiện thời tiết mưa gió, sóng cấp 7, cấp 8, biển động mạnh.
Lúc 20 giờ 45 phút cùng ngày, tàu đã liên lạc và tiếp cận được tàu cá KH 92116TS trong tình trạng tàu cá bị gãy bánh lái, gãy 2 cánh chân vịt, nước vào khoang máy, mất khả năng cơ động. Tàu CSB 4034 đã tiến hành tiếp cận làm dây kéo, đến 22 giờ 45 phút tiến hành kéo tàu cá bị nạn về đảo Phú Quý.
Và đến 8 giờ sáng hôm sau, tàu CSB 4034 đã đưa tàu cá bị nạn thả neo an toàn tại Tây Nam đảo Phú Quý. Tóm tắt ngắn gọn là thế, còn để cứu hộ thành công tàu cá trong điều kiện sóng gió, biển động như vậy chẳng hề đơn giản, chỉ một chút sơ sẩy là tính mạng của ngư dân và sự an toàn của chính tàu CSB ra cứu hộ cũng bị đe dọa.
“Khi đã an toàn, 11 ngư dân xúc động ôm chặt lấy cán bộ, chiến sỹ tàu CSB 4034, họ vừa cười, vừa khóc. Đó là những giây phút tôi không thể nào quên”, thuyền trưởng Lê Tiến Kim xúc động nhớ lại. Thời điểm ấy, thuyền trưởng Lê Tiến Kim mới chỉ 28 tuổi, mới đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng được hơn 4 tháng.
Năm 2014, cả Thắng và Kim đều được Trung ương Đoàn tặng Huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” và là hai trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu cấp Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. Tết này, có lẽ Thắng và Kim sẽ không ăn Tết cùng gia đình, bởi hai anh có thể chỉ huy tàu CSB của mình làm nhiệm vụ trực trên biển hay ở điểm đảo nào đó.
Đó là sự hy sinh và đóng góp thầm lặng của những người lính CSB thời bình, tất cả vì an ninh, an toàn và chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Minh Khang
(Theo Báo Tin tức Xuân Ất Mùi)