Vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm với phim phát hành trên không gian mạng đặc biệt ở các nền tảng xuyên biên giới quy định trong dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được nhiều ĐBQH tranh luận, góp ý chiều 25/5.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết, trong điều kiện hội nhập toàn cầu hóa, chỉ một cú nhấp chuột thì điện ảnh nước ngoài đã "vào giường ngủ, bàn ăn hay bàn học" của con em chúng ta. Vì vậy, các quốc gia phát triển đang sử dụng điện ảnh để thâm nhập thị trường nước khác, nhằm quảng bá hình ảnh, văn hóa, thương hiệu quốc gia đó thông qua "xuất khẩu văn hóa", nhưng đồng thời để cạnh tranh với điện ảnh của nước sở tại.
Bên cạnh những yếu tố tích cực thì việc "nhập khẩu văn hóa phẩm" nói chung và điện ảnh nói riêng bằng những phương thức khác nhau cũng có những mặt tiêu cực với những tác hại trước mắt hay lâu dài.
Từ đây, ông Nghĩa đề nghị những quy định về cấp phép kiểm duyệt, kiểm soát, phân loại phim... phải bình đẳng giữa điện ảnh trong nước và nước ngoài.
"Tiền kiểm cùng tiền kiểm, hậu kiểm cùng hậu kiểm. Tất nhiên, đối với các nền tảng OTT (hình thức phổ biến phim qua không gian mạng - PV) xuyên biên giới thì cách thức kiểm soát cũng phải phù hợp với điều kiện công nghệ và khoảng cách địa lý, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng với điện ảnh trong nước", ông Nghĩa nhìn nhận.
Luật Điện ảnh phải có những quy định hợp lý và hữu hiệu để giúp người Việt Nam, lớp trẻ Việt Nam có khả năng, điều kiện để chọn lọc, "tiếp thu hàng tốt và loại trừ hàng xấu" nhưng vẫn duy trì và phát triển sự yêu thích với sản phẩm văn hóa Việt Nam. Luật Điện ảnh phải tạo hành lang và môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa điện ảnh Việt Nam và các nền tảng OTT xuyên biên giới.
Tranh luận vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) thống nhất với dự thảo luật là giao chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng (không phân biệt trong nước hay OTT xuyên biên giới) tự phân loại, chịu trách nhiệm phân loại và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hậu kiểm.
ĐB cho biết, dịch vụ OTT có nhiều ưu điểm, là xu hướng toàn cầu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và cũng rất khác với phim chiếu rạp, số lượng phim rất lớn, liên tục cập nhật qua dịch vụ này. Ông cho rằng nếu tiền kiểm thì khó khả thi và bảo đảm tính kịp thời.
"Hiện nay, một năm chúng ta mới kiểm duyệt 350 phim còn tồn đọng, thì với hàng nghìn phim thì việc này sẽ rất khó khả thi. Tiền kiểm có những hạn chế là làm cho doanh nghiệp OTT mất chủ động, người dân mất cơ hội tiếp cận nhiều phim hơn, tiếp cận sớm, làm tăng chi phí kiểm duyệt, tăng thủ tục tuân thủ. Không phù hợp với thông lệ chung của quốc tế. Tiền kiểm trong nhiều trường hợp vẫn phải hậu kiểm", ông phân tích.
ĐB Cường cho rằng tiến hành hậu kiểm và quy định như dự thảo luật thì vẫn bảo đảm được hiệu quả quản lý.
Tranh luận lại ý kiến của ĐB Phạm Văn Cường, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho biết, thực ra trong phát biểu thì ông đề nghị "nguyên tắc bình đẳng".
Ông giải thích: "Điện ảnh là một ngành kinh tế, chúng ta có thị trường 100 triệu dân và các nền tảng OTT xuyên biên giới xâm nhập thị trường này, điện ảnh của chúng ta cũng ở trong thị trường này. Vì sao các OTT chúng ta nói chuyện tiền kiểm là bất khả thi? Vì sao điện ảnh trong nước lại là tiền kiểm? Bởi vì các anh này ở đây, vợ con, chồng con, gia đình người ta ở đây, tài sản người ta đây, người ta là công dân Việt Nam, mình có thể ngưng lúc nào cũng được, thậm chí có thể xử lý hình sự nếu như vi phạm luật pháp hình sự.
Chúng ta buộc phải tiền kiểm từ các bước, các khâu và làm như thế thì điện ảnh Việt Nam bị ràng buộc, bị trói buộc, bị cản trở rất nhiều và mất đi sức cạnh tranh đối với OTT kia. OTT không có nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền Việt Nam, không có nghĩa vụ bảo tồn bản sắc Việt Nam. Trong khi các nhà sản xuất điện ảnh Việt Nam vừa phải phim hay, vừa phải bán được, vừa không lỗ, vừa phải cạnh tranh với OTT nước ngoài".
Nội dung độc hại đang từng ngày len lỏi, cài cắm vào tâm thức người xem
ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết chỉ vài ngày nữa dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được thông qua, nhưng ông tin rằng những người làm điện ảnh chân chính, tâm huyết vẫn còn không ít tâm tư. Ông nhận định, bên cạnh việc tiếp thêm những chế định để điện ảnh nước nhà "bay cao, vươn xa" thì dự luật này phải đảm đương sứ mệnh là công cụ bảo vệ nền tảng tinh thần của xã hội...
Dự thảo xây dựng cơ chế hậu kiểm đối với phổ biến phim trên không gian mạng mà điển hình là các nền tảng xuyên biên giới. Ông nhấn mạnh, trong khi việc để các nền tảng này tự do đi lại trên mặt trận văn hóa thời gian qua đã gây nên những tổn thương không hề nhỏ đến đời sống tinh thần của xã hội.
ĐB Quốc hội dẫn chứng, kể từ khi thâm nhập thị trường Việt Nam, Netflix đã phổ biến ít nhất 3 phim có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ đất nước. Việc gỡ bỏ các nội dung sai phạm là một việc làm không nhiều ý nghĩa vì người xem đã kịp tải xuống để đăng tải trên các nền tảng khác. Các nội dung độc hại đang từng ngày len lỏi, cài cắm vào tâm thức người xem, nhất là giới trẻ khi smartphone đã quá phổ biến.
Ông nhận định, việc phổ biến phim trên không gian mạng không phải trải qua quy trình chặt chẽ để được cấp phép phân loại như hệ thống rạp thì liệu đã đảm bảo nguyên tắc, đảm bảo sự bình đẳng cạnh tranh công bằng của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh.
Từ clip ca nhạc như "một liều thuốc độc" đến hàng loạt các nội dung vi phạm chủ quyền quốc gia, thuần phong mỹ tục trên các nền tảng xuyên biên giới thì việc ấn định cơ chế hậu kiểm như thời gian có hiệu quả hay không.
"Nếu như các nền tảng Google, Facebook, Tiktok âm thầm theo dõi, định vị, thay đổi tâm thức người dùng từ khi gõ phím, tìm kiếm đến việc ghi âm các cuộc thoại, phân tích thông tin chứa đựng trong đó, đến các thao tác tưởng chừng vô hại như những like, share, thả tim trên các dòng trạng thái thì việc cung cấp các dịch vụ phim ảnh qua các nền tảng xuyên biên giới cũng là một cách thức tấn công vào tâm thức con người bằng những tư tưởng sai lệch về giá trị văn hóa được lồng vào những câu chuyện tưởng chừng chỉ mang tính chất giải trí", ông bày tỏ sự e ngại.
Ông đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Quốc hội cân nhắc kỹ lưỡng về hậu kiểm đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, làm thế nào để các nền tảng xuyên biên giới không có bất kỳ cơ hội nào "xâm lấn bờ cõi tư tưởng văn hóa người xem nói riêng và hàng chục triệu người nói chung".
Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các ĐBQH để báo cáo Thường vụ. Về nội dung phim phát hành trên mạng, dự thảo luật được thiết kế sao cho chặt chẽ nhất, ngoài ra nước ta còn quản lý bằng Nghị định 72, Luật An ninh mạng.
"Đề nghị các nhà làm phim nước ngoài họ phải cam kết không vi phạm các điều cấm của chúng ta. Đây là nội dung chúng ta cố gắng kiểm soát", ông Vinh cho hay.
Tiếp tục hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, sáng nay (29/3) các đại biểu thảo luận về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây.
Quốc hội sáng 23/10 thảo luận tại tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), ĐBQH đề xuất dừng chiếu hoặc rút phép đối với các tác phẩm điện ảnh mà có nghệ sĩ vi phạm đạo đức an ninh chính trị hoặc phát ngôn.