Trong lúc dừng xe chờ dừng đèn đỏ tại ngã tư, nghe tiếng còi xe inh ỏi, tưởng có người quen gọi nên tôi quay đầu ngó lại phía sau, một thanh niên nói “Đại ca nhích lên chút xíu cho em đi với”. 

Thấy phía trước là vạch dừng dành cho người đi bộ, vượt xe lên sẽ gây mất an toàn và vi phạm luật giao thông đường bộ, tôi vẫn dừng xe đúng vị trí cũ. Sau khi đèn xanh được bật sáng, các phương tiện cùng chiều lưu thông, thanh niên này điều khiển xe vượt lên và quay mặt qua nói với tôi mấy lời thô tục rồi nẹt pô rẽ phải. Sao cứ lạm dụng tiếng còi, nẹt pô?     

Nhiều người đi đường còn bức xúc bất an, ngoài tiếng còi tưởng của xe cấp cứu và xe cảnh sát rú lên từ những chiếc xe máy được “độ”, còn có tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ ống pô xe máy. 

Lưu thông trên đường phố có những chiếc xe máy phát ra tiếng nổ kinh hoàng, gầm hú, nẹt pô gây bất an cho người đi đường. Ngoài những xe phân khối lớn, tiếng nổ kinh hoàng còn phát ra từ ống pô xe máy như Dream, Wave đã được “độ chế”. Đối tượng sử dụng xe thường là giới trẻ, thanh niên.

Điều đáng nói là tiếng nổ từ pô xe như muốn thị uy, đe dọa người đi đường. Có lần tôi đang lưu thông trên đường, bỗng nhiên nghe thấy tiếng nổ như sấm, ầm ĩ có lẽ do nẹt pô từ 2 chiếc mô tô từ phía sau lao tới, khiến nhiều người tham gia giao thông giật mình và tấp vào lề đường. Một phụ nữ đang chở hàng loạn choạng tay lái té ngã nhưng cũng may chỉ bị xây xát nhẹ ở tay và đầu gối. 

Những “quái xế” bị Cảnh sát 141 (Công an Hà Nội bắt giữ). Ảnh: Đình Hiếu

Dễ thấy trong khung giờ cao điểm có đông phương tiện lưu thông nhưng vẫn nghe tiếng nổ ầm ầm, nẹt pô. Hẳn theo phản xạ người đi đường giật mình là tấp vào lề đường, ai cũng có cảm giác bức xúc. 

Tiếng pô xe kiểu này còn bị lạm dụng ở nhiều nơi, thậm chí xuất hiện trong khu dân cư vào ban đêm khiến người lớn khó chịu, trẻ con đang ngủ giật mình, tỉnh giấc và bật khóc. Gần nơi tôi ở, có lần 2 thanh niên chở nhau trên một chiếc xe Dream cũ chạy vào khu dân cư và nẹt pô ầm ĩ để gọi bạn, nghe muốn đinh tai nhức óc. Lúc đó khoảng 22h, 2 người nẹt pô bị nhóm thanh niên ở trọ chặn lại. Thấy ống pô bị ‘độ” lại (móc pô, lấy đi bộ phận giảm thanh để tạo ra tiếng nổ to), nhiều người bức xúc. Nếu những người lớn tuổi không kịp can ngăn có lẽ 2 thanh niên kia đã nhận trận đòn nhừ tử.   

Nghiêm cấm bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi trong thời gian từ 22h đến 5h, bấm còi hơi, lắp đặt sử dụng còi đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới, sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng. Đó là quy định tại Khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Mức phạt những trường hợp vi phạm này là không thấp. Phải chăng, xử phạt ở một số nơi chưa nghiêm khiến đối tượng vi phạm không sợ?

Lưu thông trên đường nếu quan sát sẽ thấy chỉ số ô nhiễm tiếng ồn hiện trên những bảng quang báo điện tử ở mức báo động đỏ, cụ thể là “màu đỏ” cho thấy đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Tiếng ồn phát ra từ nhiều nguồn, hẳn trong đó có tiếng động cơ, tiếng còi và tiếng nổ pô xe máy. Điều này trở nên xấu xí trong mắt những người xung quanh, giảm đi chất lượng cuộc sống, gây ức chế, dễ xảy ra xung đột không đáng có, mất an toàn giao thông. Nhiều người nước ngoài, du khách quốc tế rất nhạy cảm khi chứng kiến bằng tai nghe, mắt thấy nên thường có những nhận xét mang tính quy chụp. Chẳng hạn thấy tiếng ồn, còi xe inh ỏi, tiếng nổ kinh hoàng từ pô xe thì cho rằng xứ đó chưa tốt, mất trật tự, thiếu tử tế, thậm chí ấn tượng xấu với cả quốc gia. 

Trong thành phố thường có rất đông phương tiện lưu thông trên đường, nhiều người tham gia giao thông, không có cơ quan chức năng nào đủ người để đi khắp nơi, xử lý từng trường hợp cụ thể. Mà con người thì hằng ngày đều tham gia giao thông, là chủ thể trong hoạt động giao thông. Nếu cứ giữ những thói quen tai hại, lắm khi chỉ một sơ suất hay bất chấp quy tắc cho dù rất nhỏ thì bất kỳ ai cũng có thể gây ra hậu quả, tai nạn giao thông. Thực tế đã xảy ra ẩu đả chết người. 

Với các bạn trẻ chơi xe, ngoài những người lịch sự, còn không ít người vô cảm. Có những chiếc xe, ống pô và vị trí lắp đặt do nhà sản xuất thiết kế sẵn. Tuy nhiên, không ít chiếc xe máy, ống pô do người sử dụng “độ” lại và gắn theo sở thích, gây bất an cho nhiều người tham gia giao thông. 

Mong các bạn trẻ sử dụng xe phát ra tiếng nổ từ ống pô “độ”, lạm dụng tiếng còi hãy suy nghĩ và điều chỉnh phù hợp không gây ức chế cho mọi người xung quanh, đảm bảo an toàn giao thông. 

Một khi ý thức tham gia giao thông còn kém, hãy xử lý nghiêm và không bỏ qua các vi phạm dù lớn hay nhỏ thì may ra mới được cải thiện. Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì tình hình sẽ càng tồi tệ hơn, có thể không còn hy vọng uốn nắn loại bỏ những thói quen xấu trong đời sống xã hội. 

Thiết nghĩ cơ quan chức năng, cảnh sát giao thông khi phát hiện trường hợp lạm dụng tiếng còi xe, “độ” pô tạo ra tiếng nổ to thì xử lý nghiêm, phạt nặng và kết hợp thêm với hành vi vi phạm an ninh trật tự, gây tiếng ồn. Thậm chí, có thể tịch thu phương tiện vi phạm trong một thời gian nhất định. Cần xử lý luôn những cơ sở, tiệm sửa chữa xe nhận làm hay mua bán các thiết bị dùng để “độ” pô xe. Với nhà sản xuất xe rà soát, thiết kế ống pô xe sao cho thân thiện với mọi người.

Tình trạng nẹt pô, lạng lách, đua xe diễn ra nhiều ngày qua bất chấp lực lượng chức năng liên tục mở đợt bắt giữ "quái xế". Theo bạn, cần phải làm gì để ngăn chặn? Mọi ý kiến xin gửi về email: banthoisu@vietnamnet.vn. Bài viết phù hợp sẽ được Ban Biên tập chọn đăng tải. Trân trọng!

Đỗ Ngô Trần

Nẹt pô bên tai quái xế, thu xe cho chừa thói ‘khủng bố’ dân lúc 0hXem ngay