Theo Đại tá, cựu chiến binh, nhà văn Đặng Vương Hưng - người sáng lập tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, hàng vạn cuốn sổ tay, nhật ký, thư, vật dụng cá nhân là di vật, kỷ vật của bộ đội bị quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa thu, hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến.
Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật nêu trên đã được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas) số hóa hình ảnh, thông tin trong dự án phi lợi nhuận Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam. Dù chỉ là những bản copy nhưng vẫn chứa đựng nhiều thông tin riêng tư, thiêng liêng đối với thân nhân các gia đình liệt sĩ.
Nhằm góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai với cuộc sống hòa bình tốt đẹp hơn, Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas) đã cử đoàn cán bộ nghiên cứu và sinh viên sang Việt Nam tìm hiểu thực tế, bàn giao một phần hồ sơ cho tổ chức Trái tim người lính Việt Nam.
Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (Đại học Công nghệ Texas) được thành lập năm 1989, có nhiệm vụ thu thập, bảo quản tài liệu và thông tin về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Hơn 30 năm qua, Trung tâm đã sở hữu bộ sưu tập thông tin phi chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất về chiến tranh tại Việt Nam. Trong số hơn 30 triệu trang tài liệu Trung tâm đang lưu giữ có hơn 2,7 triệu trang về Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thu được trên chiến trường. Những tài liệu này chứa nhiều thông tin về các hoạt động quân sự, bao gồm thông báo tử vong, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ.
Đồng thời với tiếp nhận hiện vật, tổ chức Trái tim người lính Việt Nam cũng trao tặng cho Mỹ bản PDF nội dung 2 bộ sách quý: Những lá thư thời chiến Việt Nam và Nhật ký thời chiến Việt Nam.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức giới thiệu cuốn sách Đức mẹ online (NXB Hội Nhà văn) của cựu binh, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo Đặng Vương Hạnh.
"Mỗi truyện ngắn có trong tập sách này tựa những lát cắt từ cõi đời nguyên sơ, hư thực mà đầy tinh tế, tuyệt nhiên không hề thiếu vắng hương vị trác tuyệt. Bạn đọc có thể cảm nhận được sự thô ráp, trần trụi, đau đớn đôi khi đến tàn nhẫn của cuộc sống, cũng như những suy tư, cảm ngộ và nghiệm giải cá nhân không ngừng về những phận đời cùng bao thăng trầm nhân sinh bất tận.
Và trên hết, đó là cuộc phiêu lưu không mệt mỏi theo đuổi cảm xúc, sáng tạo của một kẻ cô đơn, luôn lầm lũi trên con đường đi tìm chân giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc đời và số phận con người. Như rượu được chưng cất bởi những gì tinh tuý nhất, Đặng Vương Hạnh viết không nhiều nhưng mạch ngầm văn chương vẫn chưa bao giờ vơi cạn", nhà văn Lê Hoài Nam nhận xét về tác phẩm.