Sinh năm 1958, là nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ, Bàng Ái Thơ là cháu của cụ Bàng Nguyên Dũng (tức cụ Nghị Bắc kỳ), hậu duệ đời 32 của Lý Thái Tổ, dòng dõi hậu duệ đích tôn của Hoàng tử thứ ba Lý Hùng Tích Hoài Nam Vương. 

Bà sinh ra trong một dòng họ có những người con nổi danh. Bác ruột là thi sĩ đồng quê Bàng Bá Lân, chủ soái Thi Phái Sông Thương, người nổi tiếng với 2 câu thơ “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi?” mà nhiều người nhầm tưởng là ca dao. Bố đẻ là nhà thơ/họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên - là người đa tài, học rộng nhưng không ham nổi tiếng, sống chính trực.

Cho nên sinh thời và ngay cả bây giờ không nhiều người biết tới ông, luôn độc hành trên con đường tìm ra hướng sáng tác nghệ thuật mới. Ông nghiên cứu sâu về hội họa, đa số đề tài cho những họa phẩm đều xuất phát từ thơ, nhất là Truyện Kiều. Bàng Sĩ Nguyên để lại cho các thế hệ sau khoảng 3.000 bức tranh, nhiều tập thơ và truyện

Bàng Ái Thơ luôn nhìn vào tấm gương gia đình mà noi theo và bền bỉ phấn đấu.

Làm thơ từ năm lên 8

Ham đọc sách, thích khám phá thế giới văn học nghệ thuật, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ gia đình dòng tộc, Bàng Ái Thơ đã làm quen với văn thơ từ nhỏ. Bài thơ đầu tiên bà viết khi ở nhà một mình, chờ bố về với cái bụng đói:

Bố ơi, con đói quá

Chẳng có bố ở nhà

Chỉ có một quả cà

Con ăn được không ạ?

Dẫu chỉ là “văn vần tả chân” nhưng thấy con gái yêu thơ nên bố động viên: “Con có thể sáng tác tốt, tuy nhỏ nhưng có tư duy sâu sắc, cố gắng lên, tâm trạng gì cứ viết ra bố sẽ hướng dẫn”. 

Sự động viên của bố và những người bạn như bác Xuân Tửu, bác Anh Thơ đã giúp cô bé thêm phấn khích. Theo nghiệp thơ ca từ người cha, Bàng Ái Thơ bắt đầu sáng tác lúc 8 tuổi, cùng thời Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ… Hồi đó, nhiều bài thơ đã được đăng trên báo Thiếu niên, Nhi đồng, Lao động, Văn nghệ. 

Chiến tranh ập tới, Bàng Ái Thơ phải đi sơ tán, đàn em nheo nhóc, cuộc sống bộn bề không có nhiều thời gian dành cho đam mê. Tuy nhiên, thi thoảng Ái Thơ vẫn viết để lưu lại cho mình. 

Đời sống tình cảm gian truân

Người con gái Hà Thành từng tràn đầy nhiệt huyết nhưng không suôn sẻ trong đời sống riêng với rất nhiều biến cố và nỗi đau cắn xé từng đêm dài.

“Trong nhà, tôi vừa là đàn ông, vừa là đàn bà, vừa là chủ nhà, vừa là đầy tớ. Mọi việc to nhỏ đều đến tay. Chỉ có lúc nào đắm chìm trong nghệ thuật lúc ấy mới là được sống cho chính mình mà thôi!". 

Người phụ nữ bé nhỏ, luôn phải gồng mình trước bão tố, lấy câu thơ làm nguồn an ủi, bầu bạn:  

Đừng trách thơ mãi nói lời thương nhớ

Yêu đời hơn khi còn nghĩ đến nhau

Thôi nặng nề nghĩ ngợi nông sâu

Thơ yêu thương tôn tâm hồn nguyên vẹn 

(Tình thơ hồi sinh – Bàng Ái Thơ)

Tất cả nỗi đau của Bàng Ái Thơ là hiện hữu, tuy nhiên chị không chịu đầu hàng số phận, luôn gắng gượng bằng nguồn lực tận sâu để vượt qua nghịch cảnh. “Cảm ơn số phận đã không tạo một vòng tròn không lối thoát cho bất cứ một sinh linh nào. Đức năng thắng số. Tự ta nỗ lực để vượt qua số phận thì sẽ thay đổi được. Điều quan trọng là không được chùn bước, không được bi quan”. 

Không lún sâu vào bi quan, không phó thác số phận, không thờ ơ nghịch cảnh. Chị nỗ lực vượt qua gian nan bằng những sáng tạo nghệ thuật. Đó là vẽ tranh, thiết kế nội thất, làm thơ, phổ nhạc… Bàng Ái Thơ khẳng định bản chất của người phụ nữ Việt Nam, tự đứng lên xóa bỏ tất cả những gì cũ xưa ràng buộc. “Đôi khi cách cuộc đời diễn ra là không thể tránh khỏi mất mát. Tuy nhiên, cần phải giữ cho mình bình an, thêm một chút thời gian, tất cả rồi sẽ qua”. 

Thông điệp sâu xa qua những tác phẩm thơ ca cũng như hội họa, âm nhạc mà Bàng Ái Thơ muốn truyền tải tới độc giả là: “Khi ta được làm người, rơi vào hoàn cảnh trớ trêu nào đó, hãy tin rằng lối thoát đang ở trước mặt. Số phận chỉ chập chờn, biến ảo như đùa giỡn với kiếp người mà thôi. Phải tự mình nỗ lực để vượt qua mà thay đổi và chiến thắng số phận”. 

Khi được hỏi về ý nghĩa của thơ ca trong đời sống, nữ nghệ sĩ cho biết: “Ai cũng mang trong mình một số phận. Không phải ai cũng may mắn, có người rất chìm nổi, có những điều khó nói ra. Đặc biệt, đối với tôi có lúc thật khó tìm được người đồng cảm nên không thể chia sẻ. Khi ấy, tôi mượn thơ ca để trải lòng, giãi bày tâm trạng, đời sống nội tâm. Thế nên, từng vần thơ mang xúc cảm đặc biệt và dáng dấp hồn vía của mình trong đó”.

Nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa từng nhận xét: “Bàng Ái Thơ là nữ sĩ sáng tác có trách nhiệm, chỉn chu với con chữ của mình, cho dù ở mảng sáng tác đề tài nào. Cô ấy làm thơ từ gan ruột, không phải cố tình để viết lên trang giấy. Số phận con người hiển hiện qua câu chữ một cách tự nhiên”. 

“Bàng Ái Thơ, chị đã làm giàu có thêm cho thơ về Trăng - bên cạnh cái cô đơn, buồn thảm, lạnh lẽo, nỗi đau đớn tuyệt vọng khó gì thay thế nổi của thi nhân trước kia, là sự hân hoan phụ nữ đậm chất trẻ thơ trước ánh trăng! Nét tinh túy thơ của nữ họa sĩ - thi sĩ này đã nâng cả bài thơ trên vượt khỏi một đề tài tắm trăng, thưởng trăng thông thường để trở thành bài thơ triết lý hay xứng đáng đứng ở bất cứ tuyển thơ hiện đại nào”, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ khi đọc bài thơ Tắm trăng.

Nhà thơ Ngọc Đỗ nhận xét: “Cảm nhận chung là một hồn thơ mông lung và hướng nội. Chị thích và dường như có thế mạnh khai thác những gì mà bằng giác quan thông thường khó ai có thể nhận biết được. Thơ chị giàu chất chiêm nghiệm và suy tư về kiếp người, cõi đời và lẽ trái ngang chỉ dành cho  phận hồng nhan nói riêng và những con người yếu thế nói chung”.

Trong phong trào thơ ca của thời đại kỹ thuật số, Bàng Ái Thơ không sáng tác theo nhu cầu đám đông, không câu nệ vần điệu; câu từ tự do, giản dị nhưng mang ý nghĩ tượng hình siêu thực - chính là nét hội họa đi vào trong thơ, tạo nên sức hấp dẫn rất riêng. Ánh sáng từ viên sỏi nhỏ là một ví dụ điển hình. 

Hạnh phúc sau bão giông

Giờ đây, hai cô con gái đã trưởng thành, có gia đình và sự nghiệp ổn định. Các con rất mực thương yêu mẹ, dù ở gần hay xa thì trong tim vẫn luôn có nhau. 

Sau những giông bão cuộc đời, một ngày duyên lành, Bàng Ái Thơ gặp nghệ sĩ Văn Báu. Một người đàn ông sống có đạo đức, biết yêu thương, nhường nhịn để tâm hồn chị được dạt dào nở hoa. Mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy nhau rồi thong thả sống phần đời của mình, biết người kia vẫn ổn và an trú trong cuộc đời của nhau. 

Nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ Bàng Ái Thơ đã xuất bản 7 cuốn thơ, trong đó có tác phẩm mới nhất được xuất bản song ngữ ở Canada: Mắt lặng (NXB Hội Nhà văn), Ánh sáng từ viên sỏi (NXB Hội Nhà văn), Sớm mai xuân (NXB Văn học), Trở lại mình (NXB Hội Nhà văn), Cát loãng (NXB Hội Nhà văn), Bạch lạp và Hoa hồng (NXB Hội Nhà văn), Ma thuật thi ca (NXB Ukiyoto Canada). Chị từng đoạt 3 giải thưởng văn học trong nước. Đồng thời, là một họa sĩ, nhạc sĩ tài hoa với 3 triển lãm cá nhân, 3 giải thưởng âm nhạc.

Khánh Phương