Ông Ahmed Hassan Mohammed, quan chức Sudan trên nói với tờ The Wall Street Journal (WSJ) rằng nếu được phép Iran có thể do thám giao thông đường biển giữa Kênh Suez và Israel.
Theo ông Ahmed, cố vấn của Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan, Iran đã đề nghị cung cấp cho quân đội Sudan các máy bay không người lái chứa chất nổ và một tàu sân bay trực thăng để đổi lấy việc xây dựng căn cứ. Quan chức này nói: "Iran muốn dùng căn cứ để thu thập dữ liệu tình báo... Họ cũng muốn đặt tàu chiến ở đó". Tuy nhiên, theo ông Ahmed, Sudan đã từ chối đề nghị vì không muốn Mỹ và Israel phật lòng.
Hiện, phái bộ Iran tại Liên Hợp Quốc chưa bình luận gì về thông tin này.
Theo WSJ, một căn cứ hải quân ở Biển Đỏ sẽ giúp Iran tăng cường ảnh hưởng ở một trong những tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất thế giới, nơi nhóm Houthi ở Yemen (nhóm quân được Iran hậu thuẫn) thường tấn công các tàu thương mại.
Sudan có quan hệ thân thiết với Iran và nhóm Hamas trong thời kỳ Tổng thống Omar al-Bashir nắm quyền. Tuy nhiên, sau khi ông này bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 2019, lãnh đạo hội đồng quân sự Sudan là Abdel Fattah al-Burhan lại nhích gần hơn với Mỹ nhằm chấm dứt các lệnh trừng phạt quốc tế và bình thường hóa quan hệ với Israel.
Theo ông Ahmed, việc Iran đề nghị xây dựng căn cứ ở Sudan cho thấy các cường quốc trong khu vực đang cố lợi dụng cuộc nội chiến đã kéo dài 10 tháng ở nước này nhằm giành chỗ đứng tại Sudan, vốn là mắt xích chiến lược giữa Trung Đông và tiểu vùng Châu Phi hạ Sahara và có đường bờ biển dài 600km với Biển Đỏ.
Tháng 12/2020, Nga và Sudan ký thỏa thuận về việc Moscow thiết lập một căn cứ hải quân với 300 binh sĩ, 4 tàu chiến gồm cả một chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân tại cảng chiến lược ở Sudan bên bờ Biển Đỏ được tiết lộ. Theo cựu chỉ huy không quân Nga, căn cứ trên sẽ đảm bảo sự hiện diện của hải quân nước này ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương.