Năm 2024, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ chuyển đổi số theo hướng hiện đại, thiết thực đem lại những giá trị mới, tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thái Nguyên.jpg
Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở TT&TT cùng lãnh đạo UBND huyện Võ Nhai trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ Đình Cả - huyện Võ Nhai.

Về nhận thức số: công tác tuyên truyền về chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh; tích cực tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục duy trì các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về chuyển đổi số trên các ấn phẩm báo chí và phương tiện truyền thông.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Báo Thái Nguyên đã đăng tải gần 140 tin, bài, ảnh, video, infographic tuyên truyền về chuyển đổi số; chuyên mục Chuyển đổi số trên kênh Đài Phát thanh-Truyền hình Thái Nguyên được sản xuất đều đặn và phát sóng 8 chuyên mục/tháng; Trung tâm Thông tin tỉnh đã đăng tải hơn 100 tin, bài, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; chuyên trang Chuyển đổi số Thái Nguyên (chuyendoiso.thainguyen.gov.vn) đã biên tập và đăng tải 476 tin, bài (tăng 71,79% so với cùng kỳ năm 2023); ... 

Về phát triển hạ tầng số: tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy cập Internet băng rộng cáp quang đạt 76%; trên địa bàn tỉnh hiện có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS); trong tổng số 1.567.705 thuê bao điện thoại di động có 1.182.686 thuê bao có sử dụng dịch vụ 3G/4G (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023); tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang đạt 100%; hiện trên địa bàn tỉnh có 09 thôn, bản chưa có sóng di động 3G/4G do địa hình khó khăn nên chưa lắp đặt được trạm phát sóng; việc triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số đạt tỷ lệ 99,7% gắn mã địa chỉ số cho đối tượng nhà ở cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn. 

Về an toàn, an ninh mạng: công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Từ ngày 01/01/2024-26/5/2024, Trung tâm giám sát an toàn thông tin tỉnh Thái Nguyên (SOC) đã phát hiện 16.544.448 lượt truy vấn, ngăn chặn tấn công có chủ đích 110.651 lượt; loại bỏ 63.605 thư rác, ngăn chặn và xử lý 383 thư chứa mã độc, virus; loại bỏ mã độc trên 1207 máy tính, phát hiện 1.486 lỗ hổng phần mềm, ngăn chặn 114 kết nối nguy hiểm trên máy tính cá nhân tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; phát hiện 2.597 máy tính của các cơ quan, tổ chức nhà nước cài đặt và chia sẻ dữ liệu mã độc...

Về xây dựng chính quyền số: hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai tại 48 sở, ban, ngành; 08 đơn vị cấp huyện và 100% xã /phường trực thuộc với tổng số 12.026 tài khoản người dùng.

Tính đến ngày 26/5/2024, đã cấp 9.336 chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các cơ quan đơn vị và công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh, bảo đảm trang bị 100% chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cán bộ một cửa và cán bộ tham gia giải quyết thủ tục hành chính; sổ tay Đảng viên điện tử (STĐVĐT) được triển khai đồng loạt tại 16 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với tổng số đảng viên đã cài đặt, đăng ký thành công đạt 88.020/98.408 đảng viên (đạt tỷ lệ 89,44%); thu nhận 1.163.038 hồ sơ cấp CCCD gắn chip; tính đến ngày 15/4/2024, đã thu nhận 822.099 tài khoản định danh điện tử mức 2, kích hoạt 786.370 tài khoản, đạt tỷ lệ kích hoạt 96%; từ ngày 01/01/2024 đến ngày 27/5/2024, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử  đạt 78,72%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 76,45%, tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 77,21%; về CSDL quốc gia về Bảo hiểm xã hội, toàn tỉnh có 529.500 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt (tài khoản dùng trên ứng dụng VssID và cổng DVC Bảo hiểm xã hội Việt Nam); triển khai tạo tài khoản an sinh chi trả chính sạch xã hội cho 72.554 đối tượng (đạt 89%); đến 19/5/2024, toàn tỉnh có 14.770 sự kiện hộ tịch phát sinh trên hệ thống hộ tịch điện tử (bằng 76,6% so với cùng kỳ năm 2023); tình hình xử lý hồ sơ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận 275.540 hồ sơ, đã xử lý 262.969 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,63%;...

Xác định phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số hiện nay, nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội đại phương nhanh và bền vững. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã và đang tích cực đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh phát triển số hóa trong y tế, giao thông, du lịch địa phương...

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 389 nghìn tỷ đồng; hơn 505.000 khách hàng với trên 9.300 điểm chấp nhận thanh toán thông qua dịch vụ Mobie Money; số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet/ATM/POS lũy kế đạt trên 6,6 triệu giao dịch, với giá trị giao dịch đạt trên 66 nghìn tỷ đồng; 205/213 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe điện tử; 1.057.207/1.318.208 người dân trong tỉnh có hồ sơ sức khỏe (đạt 80,2%); hệ thống bảo tàng ảo quán lý hồ sơ số liệu, hiện vật phục vụ thăm quan, tìm hiểu, nghiên cứu của công chúng; vận hành và triển khai 4 phần mềm về ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực giao thông vận tải; ...

Với những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2024 đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục bám sát các mục tiêu, quan điểm, chủ trương của Trung ương, của tỉnh về công tác chuyển đổi số, nhằm mục tiêu hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể về công tác chuyển đổi số mà tỉnh đã đề ra. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, tăng cường nâng cao nhậm thức về chuyển đổi số đến đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội; hỗ trợ nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về kỹ năng  số nhằm giúp người dân chủ động, tích cực sử dụng dịch vụ công trực tuyến cũng như tiếp cận các nền tảng số, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

  Theo TQ  (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)