XEM CLIP:

9h sáng 19/11, thiếu uý Hạng A Minh (Đội trưởng đội Vũ trang, đồn biên phòng A Pa Chải) bước lên thực hiện nghi thức chào cờ chủ quyền tại cột mốc số 0. Phía sau anh, mười em học sinh của xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) trong trang phục truyền thống của người Hà Nhì đứng ngay ngắn để chứng kiến giây phút thiêng liêng tại vị trí “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”. 

Hôm nay, các em học sinh của Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sín Thầu lần đầu tiên được tham gia tiết học ngoại khoá đặc biệt về chủ quyền quốc gia, về tình yêu đối với đất nước tại vùng phên dậu của Tổ quốc tại cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San thuộc xã Sín Thầu. 

Lễ chào cờ chủ quyền của bộ đội biên phòng và các em học sinh ở Sín Thầu. Ảnh: Tuấn Anh

Để chuẩn bị cho buổi học đặc biệt này, ngay từ sáng sớm, cô giáo Tòng Thị Đại cùng mười em học sinh sửa soạn sách vở, quần áo và các vật dụng khác để bắt đầu với hành trình chinh phục cột mốc nằm ở độ cao 1864 mét so với mực nước biển. 

Trải qua quãng đường hơn 10 km từ trường đến với cột mốc số 0, cô và trò Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sín Thầu đã đặt chân tại nơi đặt vị trí cột mốc chủ quyền của Tổ quốc. Từ đây, phóng tầm mắt ra xa các em học sinh có thể dễ dàng quan sát ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc. 

“Chào các em học sinh, tôi là Hạng A Minh, đội trưởng đội Vũ trang, đồn biên phòng A Pa Chải. Hôm nay tôi xin giới thiệu đến các em về cột mốc số 0”, giọng nói của thiếu uý Minh bắt đầu buổi học ngoại khoá.

Tại buổi học, thiếu uý Minh giới thiệu về lịch sử hình thành cột mốc số 0, về toạ độ và những kiến thức cần thiết khi đặt chân lên thăm cột mốc đặc biệt này. 

"Cột mốc được ba quốc gia Việt Nam - Lào - Trung Quốc thống nhất cắm mốc vào năm 2005, mốc có chiều cao 2 mét, có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia", thiếu uý Minh nói. 

Các em học sinh trải qua quãng đường dài để đến với cột mốc. Ảnh: Tuấn Anh
Một số vị trí lên cột mốc bị chia cắt do thời tiết. Ảnh: Tuấn Anh
Các em học sinh phải leo hơn 500 bậc thang để chinh phục cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Tuấn Anh
Các em học sinh mặc trang phục Hà Nhì tham gia buổi ngoại khoá. Ảnh: Đoàn Bổng

Cô giáo Tòng Thị Đại chia sẻ với các em học sinh về tình yêu đất nước, kể về những hi sinh vất vả của các thế hệ đi trước và các lực lượng cùng chung tay gìn giữ chủ quyền biên giới hôm nay. 

"Được sống trong hoà bình như hôm nay, các em hãy khắc ghi những công lao của cha ông ta khi đã cố gắng bảo vệ và giữ gìn sự độc lập, bình yên cho đất nước. Để đền đáp những công lao của thế hệ đi trước, không có gì thiết thực hơn bằng việc chăm chỉ học tập, rèn luyện để trở thành công dân tốt, sống có hoài bão để dựng xây đất nước ngày một giàu mạnh", cô Tòng Thị Đại chia sẻ. 

Cô Tòng Thị Đại và thiếu uý Hạng A Minh. Ảnh: Tuấn Anh
Các em học sinh chăm chú lắng nghe tại buổi học đặc biệt. Ảnh: Tuấn Anh

Em Lý Thuỳ Linh - một trong mười em học sinh được tham gia buổi học chia sẻ sự xúc động: "Trước khi lên cột mốc, trong suy nghĩ của em là đường đi sẽ rất dễ dàng, thuận lợi, tuy nhiên cung đường chinh phục cột mốc rất vất vả khi phải trải qua cung đường dài hiểm trở. Em phải đi bộ hơn 500 bậc mới đặt chân lên đỉnh Khoan La San".

Lý Thuỳ Linh cho rằng tiết học là "một trải nghiệm đáng nhớ trong đời" giúp em có thêm trải nghiệm mới và thêm thấu hiểu về những vất vả, cống hiến thầm lặng của lực lượng bộ đội biên phòng. 

Em Lý Thùy Linh (ở giữa) chia sẻ niềm vui khi được tham gia tiết học tại cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Tuấn Anh
Các em học sinh hào hứng khi tham gia buổi học đặc biệt. Ảnh: Tuấn Anh

Là người đồng hành cùng con gái tham gia hành trình lên với tiết học đặc biệt này, anh Đặng Văn Nhâm (41 tuổi, ở bản Tả Su Lình, xã Sín Thầu) cho biết gia đình rất ủng hộ và thấy đây là buổi học rất ý nghĩa. 

"Khi nhà trường thông báo về việc con gái tôi được tham gia buổi học, gia đình rất vui mừng và sẵn sàng đưa con lên với cột mốc biên giới đặc biệt. Hi vọng buổi học sẽ giúp con trang bị thêm kiến thức thực tế, từ buổi học này các em sẽ thêm trân trọng cuộc sống bình yên hôm nay", anh Nhâm chia sẻ. 

Hình ảnh bộ đội biên phòng đứng trang nghiêm bên cột mốc của Tổ quốc. Ảnh: Tuấn Anh

Gắn bó nhiều năm với bục giảng và các em học sinh vùng cao, cô Tòng Thị Đại chia sẻ xúc động khi lần đầu tiên trong đời tham gia đứng lớp buổi ngoại khoá tại cột mốc biên giới. 

"Bài giảng này tôi không đứng trước bục, không cầm phấn để viết... nhưng với tôi đây là tiết học đáng nhớ nhất trong thời điểm cả nước đang hướng về ngày của những nhà giáo", cô Đại xúc động chia sẻ. 

Tiếng cười rộn ràng nơi "một con gà gáy ba nước cùng nghe". 
Từ cột mốc A Pa Chải, các em học sinh có thể phóng tầm mắt nhìn thấy ba nước.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Uý cho biết, hoạt động ngoại khoá có ý nghĩa thiết thực, bồi đắp thêm tình yêu đất nước với các em học sinh - tương lai của đất nước.

Theo ông Uý, tới đây huyện sẽ xây dựng kế hoạch để tổ chức thêm các buổi ngoại khoá để nhiều em học sinh tại Mường Nhé có cơ hội được trải nghiệm thực tế tại cột mốc ngã ba biên giới. 

Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên) là xã có đường biên giới với Trung Quốc và Lào. Với vị trí đặc biệt này, việc giáo dục, bồi đắp tình yêu đất nước, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng cho các em học sinh - tương lai của đất nước luôn được chú trọng.

Những tiết học đặc biệt đã được Bộ đội biên phòng Đồn biên phòng A Pa Chải tổ chức tại cột mốc số 0 A Pa Chải - vị trí “một con gà gáy, ba nước cùng nghe”. Đây là một hoạt động ngoại khóa thiết thực nhằm giúp các em học sinh có góc nhìn trực quan về chủ quyền thiêng liêng, thấu hiểu sự hi sinh của ông cha trong công cuộc chiến đấu bảo vệ và duy trì sự ổn định biên cương.

Tiết học đặc biệt này được Huyện ủy Mường Nhé đồng ý giao lực lượng Biên phòng phối hợp với trường Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Sín Thầu thực hiện.

Tiết học này là hoạt động ý nghĩa trong bối cảnh Bộ GD&ĐT tập trung đưa các chương trình giáo dục về chủ quyền, biên giới, hải đảo đến với các em học sinh.