Lần đầu tiên trong 50 năm qua, các nhà khoa học đã thu được những âm thanh có tần số dưới 20Hz (dưới ngưỡng con người có thể tự nghe được) bí ẩn từ ngoài rìa vũ trụ.
Một khinh khí cầu thử nghiệm, có gắn các micrô hồng ngoại của sinh viên thực tập tại Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thu được những âm thanh kỳ lạ ngoài hành tinh. Đoạn ghi âm cho thấy các tiếng xì xì và rít lên khó lí giải ở phía trên bề mặt Trái đất 36km.
Theo báo LiveScience, người có công phát hiện ra những âm thanh bí ẩn trên là Daniel Bowman, sinh viên thuộc trường Đại học Bắc Carolina (Mỹ). Bowman đã có thể thu được các sóng âm thanh ở những tần số dưới 20Hz, mà tai người chỉ có thể nghe được nếu làm tăng tốc độ đoạn ghi âm, khi thả khinh khí cầu ở phía trên New Mexico và Arizona vào tháng 8 năm ngoái.
Khinh khí cầu đã trôi nổi suốt quãng đường dài 725km phía trên bề mặt Trái đất và đạt độ cao đỉnh điểm tới hơn 37.500 mét. Đây là lần đầu tiên một khí cụ nghiên cứu về âm thanh dưới 20Hz có thể đạt được độ cao như vậy.
Một đặc điểm quan trọng của âm thanh dưới ngưỡng nghe của tai người là chúng luôn di chuyển các khoảng cách rất xa. Mặc dù một số hiện tượng tự nhiên như bão hoặc động đất có thể gây ra âm thanh dưới 20Hz, nhưng các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ "thủ phạm" gây ra các âm thanh dưới ngưỡng nghe của tai người trong đoạn ghi âm của Bowman.
Nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích về nguồn gốc của những âm thanh lạ, từ một trang trại gió phía dưới đường đi của khinh khí cầu, tới các đợt sóng đại dương, sóng trọng lực hay sự nhiễu loạn không khí hoặc thậm chí là âm thanh từ các chuyển động của cáp khinh khí cầu.
Một dự án được NASA tài trợ hiện đã lên kế hoạch thả thêm khí cụ mới nhằm ghi lại nhiều âm thanh kỳ lạ nữa vào cuối năm nay để phục vụ nghiên cứu.
Mặc dù các âm thanh trên chưa được giải mã, nhưng Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) đã tập hợp các âm thanh quen thuộc hơn từ không gian thành một bộ sưu tập và chia sẻ nó trên trang esaops Soundcloud. Trong đó, đáng chú ý có một đoạn clip sử dụng dữ liệu ghi âm của tàu thám hiểm Huygens khi nó đáp xuống bề mặt mặt trăng Titan của sao Thổ vào ngày 14/1/2005.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)