Ngày 1/2, phóng viên của Reuters đã có cơ hội trò chuyện với ông Freddy Versluys, giám đốc của hai công ty quốc phòng tới từ Bỉ. Dù không muốn thừa nhận mình là nhà buôn vũ khí, ông Versluys đang muốn bán hơn 30 chiếc xe tăng Leopard 1 đã qua sử dụng cho Ukraine.

Ông Freddy Versluys sở hữu hàng chục xe tăng. Ảnh: Reuters

Vấn đề chuyển giao xe tăng cho Ukraine trở thành tâm điểm tại châu Âu thời gian qua, khi rất nhiều nước đã cam kết gửi xe tăng cho Kiev. Tuy vậy, Bỉ chưa hề có động thái nào, bởi chính phủ nước này không còn xe tăng dư thừa, 50 chiếc cuối cùng đã được bán cho công ty của ông Versluys cách đây 5 năm.

"Tôi mua những chiếc Leopard 1 cũ vì nghĩ rằng vẫn còn các quốc gia cần tới chúng, dù là bán nguyên chiếc hoặc phụ tùng. Tất nhiên đây là một thương vụ rủi ro, có thể tôi sẽ bán được chúng ngay ngày mai, hoặc chúng sẽ trở thành sắt vụn trong 10 năm tới", ông Versluys nói.

Ông Versluys muốn bán xe tăng tới Ukraine. Ảnh: Reuters

Cách đây ít ngày, ông Versluys đã có cuộc tranh luận trực tiếp với Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder về việc gửi các xe tăng đã qua sử dụng tới Ukraine. Bộ trưởng Dedonder cho biết, chính phủ đã xem xét khả năng mua lại xe tăng từ các công ty tư nhân để chuyển cho Kiev, nhưng mức giá mà các thương nhân đưa ra "quá vô lý".

"Các xe tăng này được họ mua với giá 10.000 - 15.000 Euro/chiếc, nhưng giờ họ muốn bán lại với giá 500.000 Euro", bà Dedonder nói.

Bên trong nhà kho chứa đầy xe tăng của ông Versluys. Ảnh: Reuters

Trước phát biểu của Bộ trưởng Dedonder, ông Versluys đã lần đầu tiên chia sẻ với công chúng về cách thức hoạt động của một công ty quốc phòng, vốn thường được giữ kín.

Thương nhân người Bỉ cho biết, ông mua 50 chiếc Leopard 1 với giá 2 triệu Euro, nhưng chỉ có 33 chiếc có thể vận hành được. Điều đó có nghĩa là, ông mua 1 chiếc xe tăng còn sử dụng được với giá 60.600 Euro. Ông Versluys nói rằng công ty của mình muốn bán một xe tăng này với giá từ vài trăm nghìn đến 1 triệu Euro, bao gồm toàn bộ linh kiện đã được thay thế.

Hàng chục xe tăng và xe thiết giáp đã qua sử dụng của ông Versluys. Ảnh: Reuters

"Mọi người cần hiểu rằng chi phí để đại tu một xe tăng rất lớn, khi nhiều phụ tùng hiếm được bán ở giá rất cao. Các xe tăng Leopard 1 được tân trang sẽ sẵn sàng ra tiền tuyến sau 1 tháng, nhanh hơn rất nhiều so với việc mua mới", ông Versluys cho biết.

Thương nhân người Bỉ tiết lộ, nếu không thể đạt được thỏa thuận phù hợp với chính phủ nước này, ông sẽ bàn bạc với một quốc gia khác. Hiện có khá nhiều nước quan tâm tới việc mua lại xe tăng để chuyển giao cho Ukraine.

Ông Versluys bên cạnh các xe tăng trong nhà kho. Ảnh: Reuters

"Nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với ngành kinh doanh vũ khí, nhưng thực tế đây là thị trường khá văn minh", ông Versluys chia sẻ thêm.

Cuộc tranh luận giữa ông Versluys và Chính phủ Bỉ cho thấy khó khăn trong nỗ lực tìm thêm vũ khí cho Ukraine. Có nhiều vũ khí được coi là lỗi thời với phương Tây nhưng giờ lại trở thành mặt hàng được săn đón. Tuy vậy, phần lớn số vũ khí này đang thuộc quyền sở hữu của các công ty tư nhân.