Sự việc, vấn đề đang được thông tin, đồn thổi đâu đó, chưa kiểm tra, chưa xác minh, sao chưa “khảo”  đã “xưng”?

Ai lại đang đêm người ta gọi điện tới, cứ theo cảm xúc ngùn ngụt mà trả lời rằng, tờ nọ, cậu kia vu khống, bịa đặt, làm láo, làm bậy?

Việc chi gấp gáp, nóng hổi đến mức ngày chủ nhật ban nọ vẫn triệu tập họp rồi ra văn bản hỏa tốc gửi nơi kìa, nơi kia, khẳng định sai đúng như đinh đóng cột, như chân lý muôn đời?

Sao sự việc hệ trọng đến thế mà cơ quan chức năng A nói ngược, cơ quan chức năng B lại nói xuôi, điều cần nói lại im, thiên hạ biết đâu mà lần?

Đến cái “anh” xã tưởng chả có chuyện gì quan trọng cũng cứ gây ồn ào, rắc rối, để báo chí địa phương lẫn “hội đồng thường trú” rào rào lên tiếng, buộc huyện, có khi cả tỉnh, cả trung ương phải vào cuộc?

Có người nói đó là “chuyện bé xé ra to”, kẻ nâng lên “đổ thêm dầu vào lửa”; lại có người khái quát xanh rờn “khủng hoảng truyền thông”!

{keywords}
Ảnh minh họa

Riêng bạn tôi, cứ cười khề khề, chậm rãi mà rằng, các vị đang “bôi mỡ cho kiến đốt”!

Rứa thì mần răng cho đúng, cho hay, bác nói coi? Có người nghiêm giọng hỏi.

Trước hết, “Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin”* ban hành bấy lâu nay các vị không đọc, cũng không giao cho cơ quan chức năng đọc kỹ, làm đúng.

Sự việc, vấn đề đang được thông tin, đồn thổi đâu đó, chưa kiểm tra, chưa xác minh, sao chưa “khảo”  đã “xưng”?

Người phát ngôn cơ quan, đơn vị làm gì, thu thập hồ sơ, tài liệu theo phương pháp nào, chuẩn bị như thế nào cho các trương hợp cụ thể… đã bàn bạc, chuẩn bị chắc chắn, đầy đủ, kể cả dự phòng chưa?

Sao cứ hỏi là nói, ngồi đâu cũng nói, nói xong không yêu cầu kiểm tra lại, câu gì chính thức, câu gì nói thêm, nói bên lề. Đâu phải bất cứ câu nào, lời nào, nói ở đâu cũng “vàng ngọc”, tương tuồn tuột lên hết?

Văn bản không nói rõ quy trình, cách xử lý “khủng hoảng truyền thông” một cách tỷ mỉ, cụ thể chứ gì? Xưa nay, không biết thì phải hỏi, tìm người biết mà hỏi, thuê chuyên gia truyền thông người ta nói, tập huấn cho mà nghe, mà học, mà làm.

TP. Đà Nẵng, hai lần cán bộ cốt cán tỉnh huyện thành được tập huấn chuyên đề, thành lập hẳn một tổ giúp việc chuyên tham mưu lãnh đạo trong việc xử lý khủng hoảng truyền thông (**). Vậy mà có lúc vẫn bí, vẫn không kịp thời giải tỏa được bức xúc của dư luận. 

Hay như Nghệ An mới đây, khi có tin, bài về tình trạng phá rừng về tình trạng phá rừng trong vùng đặc dụng, ngay lập tức phó chủ tịch tỉnh phụ trách mảng tới hiện trường xem xét thực hư. Cũng ngay lập tức lập tổ công tác xuyên rừng đo đếm cụ thể từng cây rừng, xác minh cụ thể cây nào chặt mới, cây nào đổ ngã tự nhiên, gỗ mới, gỗ cũ… lập báo cáo về tỉnh. Nghĩa là nắm chắc mới thông tin, và thông tin dứt điểm, chính xác, không thể “cãi” được.

Người thi hành công vụ chấp hành ý thức phát ngôn, biết đến đâu nói đến đó, quyền hạn đến đâu trả lời đến đó. Không thể chưa kiểm tra, xác minh mà đã vội kết luận báo này bài nọ sai, rồi lớn tiếng đòi cơ quan chức năng cắt tên miền, rút thẻ…

Hay như kiểu dư luận nói “có”, anh trả lời “không” thì có mà đến… tết?

Rõ ràng, tình trạng thiếu “đội chữa cháy chuyên nghiệp, chuyên dụng”, để rồi lúng túng, bị động theo kiểu “có xô dùng xô, mang chậu dùng chậu” thì làm sao chữa được cháy lớn, cháy xăng, cháy dầu…?

Không thực hiện theo quy trình bài bản, theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, không chủ động đặt câu hỏi và tìm câu trả lời… thì kiểu gì, cách gì cũng “nóng tay bắt lỗ tai”, nói theo cảm xúc và cuối cùng là tự “bôi mỡ cho kiến đốt” như bao vụ, việc đang rạo rực thiên hạ đấy thôi.

Bạn tôi lại cười hề hề : Chuyện khủng hoảng truyền thông này xem ra “nóng” phết, không bài vở nào nói hết và thực tế cũng chưa thể… kết, bà con hề!

Châu Phú