Chỉ có sự liêm chính mới đủ sức đánh bật… tin đồn   

Ở cả hai vụ việc- liêm chính có đủ mạnh không?         

Ngẫu nhiên trong tuần, khi tin đồn Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài bị cơ quan điều tra phát lệnh truy nã quốc tế, còn nóng hôi hổi vừa thổi vừa đọc, dư luận xã hội lại nháo nhác bởi những vụ việc xưa rồi Diễm, vậy mà vẫn có sức hút như từ trường trái đất.  

Bẹp rúm và “nguyên khối”

Sao không chứ? Một vụ việc liên quan đến tin đồn- một quan chức cấp cao có bồ nhí, con riêng và không biết có phải do tài cán hay do những… gì gì mà cô bồ nhí này có khoản tài sản kếch sù, người lao động chính trực cày cuốc cả đời, nằm mơ cũng không thấy. Số liệu, sự việc cứ như ma xó!

Bức xúc quá, vị quan chức lên tiếng bác bỏ hoàn toàn. Có điều mới đây, cả hệ thống chính trị địa phương nơi ông này lãnh đạo cũng phải vào cuộc phủ nhận sạch trơn tất cả dạng tin đồn trên các trang mạng xã hội.

Miệng nhà quan có gang có thép! Tin đồn lập tức … rúm ró, nằm im.

{keywords}

Vượt qua những thông tin còn úp úp mở mở chưa được giải mã, những kiến nghị mang tính “răn đe” tin đồn, hãy nhìn vụ việc này với con mắt của thế giới phẳng, và của sự sòng phẳng liêm chính về tư cách công dân.

Có thể khẳng định, khi con người xuất hiện, hình thành nên cộng đồng, là xuất hiện tin đồn. Tin đồn sẽ tồn tại mãi mãi, chừng nào còn cộng đồng người. Bởi bản chất con người là tham sân si, hỉ nộ ái ố.

Cũng bởi là tin đồn, nên nó mê hoặc con người khi đánh trúng vào tâm lý đặc thù- tính tò mò, và được nuôi dưỡng bởi cả tính xấu của con người, sự thêu dệt, một đồn mười, mười đồn trăm.

Nhất là trong thế giới phẳng hiện nay, mạng thì ảo mà cái tốt xấu, hay dở, thiện ác, tử tế hay ti tiện của lòng người lại rất thật.

Và trong bối cảnh đời sống nước Việt nói chung, mỗi địa phương nói riêng, còn chứa chất những bất ổn, bất bình, xung quanh “ung nhọt” tham nhũng, lợi ích nhóm, mua quan bán tước, khiến lòng người mất niềm tin bao nhiêu, thì tin đồn tuy hư hư thực thực tiếc thay, lại chiếm niềm tin của không ít người bấy nhiêu.

Nhưng mặt khác, thế giới phẳng với những thông tin từ thực tế, thậm chí có khi khởi đầu là tin đồn cũng lại giúp cho quản trị quốc gia nhanh chóng nắm bắt, loại trừ sự thất thiệt và có phương án xử lý. Đó là tính hai mặt của tin đồn.

Xử lý tin đồn, trong đó có xử lý sự khủng hoảng truyền thông ra sao? Dường như không có bài học chung cho mỗi vụ việc. Mà nó tùy thuộc vào sự tĩnh trí sáng suốt, vào bản lĩnh giải quyết các tình huống một cách khôn ngoan. Nhưng quan trọng hơn cả, phải bằng sự liêm chính, chính trực. Không thể chỉ bằng mệnh lệnh hành chính- hay bằng sự trấn áp của quyền lực. Nếu không tin đồn, tuy nằm bẹp dúm nhưng lại vẫn… còn nguyên cả khối, vẫn cứ ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Còn ngược lại, tin đồn sẽ phải… đỏ mặt, vì bẽ bàng!

Sự xuất hiện của IT là bước tiến vĩ đại của lịch sử. Nó mang đến cho XH bao điều thú vị, mở mang sinh hoạt dân chủ. Nhưng cùng đó là những phiền toái, những khóc cười, hạnh phúc và cả… bi kịch. Thì xử lý khủng hoảng truyền thông cũng cần trở thành kỹ năng tất yếu của bất cứ chính quyền cho đến nhà quản trị xã hội nào.

Gia đình siêu nhân”

Vụ việc khác, khiến dư luận XH đến hôm nay, nói theo ngôn ngữ dân dã, vẫn hót hòn họt, mặc dù hiện tượng cũ mèm. Đó là tin đồn về “gia đình siêu nhân” của một quan chức. Thời IT, có rất nhiều khái niệm mới xuất hiện, mà “gia đình siêu nhân” cũng là một. Ngay lập tức gia đình này được các cư dân … tôn vinh trên mạng ảo.

Rồi từ tin đồn hóa thành… tin tức. Bởi ngoài ông còn có gần chục người thân là ruột thịt, đều nắm các chức danh quản lý, cán bộ chủ chốt các ngành, các lĩnh vực ở tỉnh này.

Có bao nhiêu “gia đình trị’ trong nước Việt? Không hiếm. Nếu như biết rằng, hiện tượng này đã đi vào văn học, ca dao, tục ngữ, thành ngữ của nhân gian từ quá khứ đến thời hiện tại. Đáng tiếc, ngày càng có khuynh hướng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” ở các ngành các cấp, từ cơ sở trở lên…, trong bối cảnh XH đang bị lợi ích nhóm câu kết, chi phối và là nỗi bất bình ám ảnh người dân.

Tỷ như “gia đình trị' ở Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, có tới 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với Tổng Giám đốc công ty này. Trước đó, cả XH xôn xao vụ việc “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Rồi vụ việc Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình ngự trị 03 nhiệm kỳ, ngoài ra, còn có đến 10 người thân của ông này được tuyển vào ngành thuế, trong đó nhiều vị đang giữ những vị trí chủ chốt, có khả năng thay thế khi ông này về hưu.

Hầu như tỉnh nào, ngành nào, cấp nào cũng ... nhuốm mầu hiện tượng “gia đình trị” với cấp độ cao thấp khác nhau.

Ở các quốc gia văn minh, chuyện cha truyền con nối cũng không hiếm. Nhưng vì sao không thành tai tiếng? Sự khác biết bản chất ở đây là nền quản trị quốc gia công khai, minh bạch và kiểm soát quyền lực bằng luật pháp, bằng thiết chế mô hình XH. Sự tuyển chọn là công bằng, sòng phẳng, đã tạo ra những nhân sự tài năng thật.

Còn ở nước Việt ta, hiện tượng “gia đình trị” đang có nguy cơ thành “bản sắc văn hóa” trong công tác tổ chức cán bộ. Người đứng đầu Chính phủ đã phải lưu ý các cấp chính quyền các địa phương trong cả nước: Tìm người tài chứ không tìm người nhà!

Vì rất có thể ở đâu đó, những người tài khác, do không phải “người nhà” đã mất đi một cơ hội tiến thân. Như vậy, sự bất công không nói không rằng đã… hiển hiện.

Chuyên gia về luật Nguyễn Quốc Tấn Trung, trong một bài viết về hiện tượng “gia đình trị” phân tích khá sâu sắc về cái gọi là “chủ nghĩa huyết thống và chủ nghĩa thân hữu – nepotism và cronyism”, có thể phát triển và được công nhận một cách công khai trong XH. Đó là một sự thật, bởi theo ông, ngay cả khi người nắm chức vụ lãnh đạo không hề có ý định hỗ trợ, yêu cầu, đề nghị bổ nhiệm người thân của mình vào các vị trí lãnh đạo khác; quyền lực từ cái ghế của ông ta đôi khi cũng đã đủ để các hệ thống cấp dưới cân nhắc việc nên đề cử và bổ nhiệm ai. Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ tạm gọi là chủ nghĩa “bè phái thụ động”, là nguồn gốc cơ bản của các nhóm lợi ích trong tương lai, được xây dựng dựa trên nền tảng quan hệ và gia đình.

Ông Nguyễn Quốc Tấn Trung đã phải kiến nghị: Đã đến lúc pháp luật Việt Nam phải kiểm soát “gia đình trị”!

Đó là một nhận xét cực kỳ tinh tế, am hiểu thực tiễn. Người viết bài từng lăn lộn ở cơ sở, càng thấm thía cái ý nghĩa “cha truyền con nối, anh truyền em nối” một cách rất tự nhiên, trong tâm lý các địa phương- một tâm lý truyền thống từ thuở “phong kiến đế quốc” xa xưa. Chưa kể vì muốn nịnh bợ cấp trên, không thiếu kẻ sẵn sàng đưa người cửa trước rước người cửa sau. Cũng chính là cho con đường hoạn lộ lâu dài của họ…

Trong bài viết trên Tuần Việt Nam, ngày 22/9, bàn về kiểm soát quyền lực, Ts Vũ Ngọc Hoàng đã cảnh báo, việc kiểm soát quyền lực trước tiên là để bảo đảm cho quyền lực luôn thuộc về đúng chủ nhân của nó, tức là thuộc về nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm quyền. Khi quyền lực bị lạm dụng thì tất yếu sẽ tha hóa bộ máy cầm quyền, và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tha hóa đạo đức xã hội. Sự tha hóa quyền lực tất yếu sẽ dẫn đến sụp đổ chế độ chính trị. Nếu sự tha hóa ấy không dừng lại và lành mạnh hóa thì sụp đổ là không thể khác, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Khi quyền lực không được kiểm soát thì mặt trái của nó chính là tác nhân quan trọng nhất làm tha hóa cán bộ, tha hóa những con người được trao quyền lực, rồi tha hóa cả bộ máy, làm cho bộ máy bị biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà dần dần thành nhà nước phản bội nhân dân.

Ở góc độ khác, cần thấy điều này, trong bối cảnh kiểm soát quyền lực ở XH còn yếu, thì sự phát triển IT, cùng tin tức các trang mạng XH (nếu lọc bỏ được những tin đồn nhảm), lại là cánh tay đắc lực giúp cho quản trị quốc gia có thể cập nhật được vấn đề này, xử lý kịp thời thông tin.

Nhà sử học Dương Trung Quốc ,mới đây, trả lời báo chí, nhắc tới Luật Hồi tỵ có từ thời vua Lê Thánh Tông, quy định bổ nhiệm quan lại xưa rất rõ ràng, cụ thể. Đó là những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê…, không được làm quan cùng một chỗ. Nếu ai gặp những trường hợp nói trên thì phải tâu báo lên triều đình và các cơ quan chức năng để bố trí chuyển đi chỗ khác (Infonet, ngày 20/9)

Cứ chiếu theo luật của bậc tiền nhân, liệu có bao nhiêu “gia đình trị”, mầm mống của hiện tượng lợi ích nhóm neo đậu trong XH hiện nay? Hẳn không hiếm và cũng không quý.

Còn theo bà Phạm Chi Lan, quy trình đều nằm trong tay những người có thẩm quyền, nếu quy trình đúng mà dẫn đến sai sót thì phải xem lại, điều chỉnh cái quy trình đó cho chặt chẽ hơn chứ không phải dùng để biện minh cho những sai sót (MTG, ngày 18/9).

Chỉ sự liêm chính của chính quyền từ cơ sở trở lên mới là … định luật bảo toàn “trọng lượng” của quyền lực 

Chỉ có sự liêm chính mới đủ sức đánh bật… tin đồn

Ở cả hai vụ việc- liêm chính có đủ mạnh không?

Kỳ Duyên