Thí điểm Mobile Money đạt nhiều tín hiệu khả quan

Gần 2 năm trước, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức cấp phép triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm. Tại Quyết định 1820/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021, NHNN chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money cho Tổng công ty VNPT - MEDIA. Còn tại Quyết định 1818/QĐ-NHNN ngày 18/11/2021, chấp thuận cho MOBIFONE triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Viettel cũng đã được cấp phép cung cấp dịch vụ Mobile Money ngay sau khi VNPT công bố thí điểm dịch vụ này.

Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 đến 18/11/2023.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 8/2023, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money tiếp tục đạt được mục tiêu về việc góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, cũng như đảm bảo việc thí điểm dịch vụ an toàn, đúng quy định.

mobile money 724.jpeg
Tổng số khách hàng dùng Mobile Money đạt gần 5,2 triệu khách hàng

Tình hình triển khai dịch vụ Mobile Money tại 03 doanh nghiệp thực hiện thí điểm cung ứng ra thị trường (Viettel, VNPT-Media, MobiFone) đã đạt được một số kết quả khả quan. 

Việc triển khai thí điểm dịch vụ này đã đạt một số kết quả tích cực. Tổng số khách hàng đạt gần 5,2 triệu khách hàng, tăng 8,8% so với tháng 7/2023; trong đó số lượng khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa đạt gần 3,6 triệu khách hàng, chiếm 69%; 11.667 điểm kinh doanh đã được thiết lập, tổng số đơn vị chấp nhận thanh toán đạt 172.831 đơn vị, cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện nước, giáo dục, viễn thông, hành chính công;

Tổng số lượng các giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng Mobile Money là hơn 41,8 triệu giao dịch với tổng giá trị giao dịch hơn 2.196 tỷ đồng.

Kết quả thí điểm dịch vụ Mobile Money nêu trên là sở cứ quan trọng để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an thực hiện tổng kết, đánh giá sau 2 năm thí điểm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị, đề xuất chính sách quản lý phù hợp khi hết thời gian thí điểm vào cuối tháng 11/2023.

Nhiều lợi ích

Theo các chuyên gia, dịch vụ này mang lại hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Người dân tiết kiệm được cả thời gian, chi phí đi lại; các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để thanh toán tiền điện, nước, hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ ở mọi lúc mọi nơi, 24/7 mà không phải mở tài khoản ngân hàng.

Nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa đi lại không thuận tiện, Mobile Money sẽ hỗ trợ khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán, chuyển tiền mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Còn với các nhà cung cấp dịch vụ có tính chất đại chúng trước đây mất chi phí cho công ty nhờ thu - trả tiền điện, nước… sẽ cắt giảm được chi phí đó.

Mobile Money được cấp phép hoạt động không chỉ là nhân tố thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt mà còn phổ cập tài chính toàn diện cho người dân vì tính thuận tiện của nó. Người dùng có thể dùng số tiền có sẵn trong tài khoản của điện thoại để thanh toán ngay mà không cần phải mở tài khoản ngân hàng hay sở hữu ví điện tử.

Cơ hội phát triển dịch vụ này rất lớn khi mà người dân, đặc biệt là lớp trẻ đều sử dụng smartphone nên số người sử dụng Mobile Money chắc chắn sẽ là rất lớn. Việc cho phép Mobile Money là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Trong một báo cáo, Cục Viễn thông cũng đánh giá, thời gian vừa qua, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa chiếm phần nhiều trong tập người sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Cục Viễn thông đã chia sẻ một ví dụ thành công trong việc triển khai phát triển người dùng Mobile Money, đó là mô hình Chợ 4.0 do Viettel khởi xướng. Cách làm này cũng phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc sử dụng Mobile Money để thúc đẩy thanh toán số ở khu vực nông thôn. 

Ðể người dân được trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt, vừa qua, Viettel đã triển khai Chương trình “Chợ 4.0” tại một số địa phương. Mô hình này đã mang lại những tín hiệu khá khả quan; qua đó góp phần thúc đẩy việc thanh toán không sử dụng tiền mặt, từng bước xây dựng xã hội số, kinh tế số, góp phần đáp ứng mục tiêu chương trình chuyển đổi số tại các địa phương.

Hồng Khanh và nhóm PV, BTV