Ngày 17/5, Bộ TT&TT đã tổ chức cuộc họp đánh giá việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money. Đây là dịch vụ được triển khai dưới hình thức dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. 

Khác với các ví điện tử thông thường, Mobile Money cung cấp cho người dùng một tài khoản gắn liền với thuê bao di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp tại Việt Nam.

Dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước cấp phép triển khai thí điểm trên phạm vi toàn quốc trong thời gian 2 năm, từ 18/11/2021 đến 18/11/2023.

Người dân sử dụng Mobile Money để thanh toán. Ảnh: Trọng Đạt

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, việc triển khai thí điểm Mobile Money là một chủ trương lớn của ngành TT&TT. Chủ trương này cần sự vào cuộc tích cực của tất cả các doanh nghiệp viễn thông nhằm thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, những nơi người dân không tiếp cận được với các điểm giao dịch ngân hàng.  

Báo cáo của Cục Viễn thông cho thấy, thời gian vừa qua, việc triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Khách hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa chiếm phần nhiều trong tập người sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money nhìn chung được đảm bảo. Mobile Money đã giúp mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt, mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội. 

Mục tiêu của các doanh nghiệp viễn thông là từ nay đến 18/11/2023 - thời điểm kết thúc việc thí điểm dịch vụ, Mobile Money sẽ cán mốc 9 triệu người dùng. Bên cạnh đó, sẽ có thêm 250.000 điểm giao dịch chấp nhận thanh toán Mobile Money để thúc đẩy thanh toán số và không dùng tiền mặt. 

Mobile Money sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam. 

Cục Viễn thông đã chia sẻ một ví dụ thành công trong việc triển khai phát triển người dùng Mobile Money, đó là mô hình Chợ 4.0 do Viettel khởi xướng. Cách làm này cũng phù hợp với chủ trương của Nhà nước về việc sử dụng Mobile Money để thúc đẩy thanh toán số ở khu vực nông thôn. 

Nói về các khu Chợ 4.0, đại diện Viettel cho hay, đây là ý tưởng doanh nghiệp đi cùng chính quyền tỉnh, huyện nhằm đưa thanh toán số đến được với người dân. Để triển khai các khu Chợ 4.0, Viettel đã đào tạo người dân sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các điểm thanh toán bằng QR Code tại hộ kinh doanh là các tiểu thương. 

Thực tế cho thấy, tại những nơi triển khai mô hình Chợ 4.0, chính quyền địa phương rất ủng hộ cách làm này. Ngoài phục vụ lợi ích của người dân, chính quyền, doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ việc phát triển thuê bao sử dụng dịch vụ”, đại diện Viettel chia sẻ.   

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất nhằm thúc đẩy sự phổ biến của dịch vụ Mobile Money. Theo đó, các nhà mạng sẽ kết hợp với hệ sinh thái sẵn có của nhiều đơn vị khác nhằm mở rộng hệ thống điểm cung cấp dịch vụ. 

Trong thời gian tới, việc triển khai Mobile Money sẽ được đẩy mạnh tại các huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, những nơi xa cách với đất liền. Đây là cách dịch vụ Mobile Money thể hiện rõ giá trị của mình trong việc giúp mọi người dân đều có thể tiếp cận với phương thức thanh toán số.