Cùng với người dân cả nước, những ngày qua, khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, lãnh đạo địa phương, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh đạo xuất sắc của nước nhà.

Cách đây hơn một thập kỷ, ngày 17/3/2014, đoàn công tác Trung ương do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đến làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Thừa Thiên Huế, với nhiều lãnh đạo địa phương và người dân.

IMG_071B4D76DDBE 1.jpg
Lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tặng quà lưu niệm nhân chuyến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, làm việc với tỉnh. Ảnh: Ngọc Minh

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư biểu dương những thành tựu to lớn mà tỉnh đã đạt được trong 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, từ việc giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa nhà tạm, tái định cư cho dân thủy điện, dân đầm phá và dân vạn đò sông Hương, cho đến các công trình hạ tầng quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, hình thành thành phố vườn, đô thị sinh thái. 

Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của Thừa Thiên Huế dần trở thành trung tâm của cả nước. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt, an ninh chính trị và an toàn xã hội được giữ vững.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế cần phải xác định rõ thế mạnh, có khâu đột phá, với tinh thần tiến công cách mạng cao hơn, quyết liệt hơn, đổi mới tư duy, táo bạo và năng động hơn nữa.

Ngày 10/12/2019, một bước ngoặt lịch sử đến với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, đó là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành NQ 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thông điệp cơ bản của NQ 54 của Bộ Chính trị cũng chính là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư: Thừa Thiên Huế nhất thiết khẳng định được mình trong tiến trình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương không gì khác là trên nền tảng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Đây chính là kết tinh của trí tuệ tập thể, trong đó vai trò hạt nhân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in đậm dấu ấn.

IMG_DB1DABEE1342 1.jpg
Lãnh đạo, nhân dân địa phương phấn khởi khi được tiếp đón vị lãnh đạo cấp cao của Đảng. Ảnh: Hồ Viết Lương

Ngày 23/7, theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Chính phủ có Quyết định số 702/QĐ-TTg công nhận huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) thoát nghèo năm 2024.

Quyết định của Chính phủ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước ngoặt mới đối với một địa phương có số đông là người đồng bào, dân tộc thiểu số như A Lưới.

Còn nhớ, cũng giai đoạn 10 năm trước, sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đã đến thăm bà con các dân tộc xã Hồng Hạ (huyện A Lưới - một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh. 

Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và nỗ lực xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn. Hồng Hạ là xã trung du miền núi với diện tích tự nhiên hơn 14.000 ha, nơi sinh sống của 5 dân tộc anh em: Cơ Tu, Pa Cô, Pahy, Tà Ôi và Kinh.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư đã ghi nhận sự nỗ lực của xã trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 8 (nhiệm kỳ 2010-2015). Tổng Bí thư vui mừng khi thấy những tiến bộ rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân chỉ sau 3 năm thực hiện Nghị quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh và đã xuất hiện một số hộ khá giả.

Những hình ảnh của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với xã Hồng Hạ, cùng với mô hình trồng cao su của người dân Pa Cô, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. 

IMG_867FFB9579FF 1.jpg
 Huyện miền núi A Lưới vừa được công nhận là huyện thoát nghèo. Ảnh: HO

Khi hay tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Ra Pat Thạch (người dân tộc Cơ Tu) đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc và cảm xúc mất mát khi mất đi một lãnh đạo kiên định và tận tâm.

Nhớ lại niềm vui và sự phấn khởi của cả xã khi đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm hơn 10 năm trước, ông Hồ Viết Lương – Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ chia sẻ, những lời căn dặn của Tổng Bí thư về sự đoàn kết và phát triển đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bà con nhân dân, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

“Những món quà quý báu mà Tổng Bí thư dành tặng, như căn nhà Gươl truyền thống và cây cầu Ưng Hoong, không chỉ giúp cải thiện đời sống nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cộng đồng. 

Đến nay, Hồng Hạ đã trở thành một xã phát triển, đời sống của người dân ngày càng khởi sắc, và bà con luôn ghi nhớ, biết ơn đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, ông Lương chia sẻ.