Tổng Bí thư Tô Lâm và Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đều thống nhất tinh thần như trên tại Hội nghị Trung ương khóa XIII để thể hiện quyết tâm cao độ của các nhà lãnh đạo và quy mô sâu rộng của đợt cải cách bộ máy lần này.

Tổng Bí thư khẳng định, đây là công việc phải làm nhanh, sớm hoàn thành trước Đại hội Đảng lần thứ XIV. Cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn chủ trương này sớm được thực hiện một cách quyết liệt, đồng bộ, bài bản, tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

082746 tolam2111.jpg
Sáng 19/11/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Làm thực chất

Với từ “cách mạng” được nhấn mạnh nhiều lần, Nghị quyết số 18-NQ/TW sẽ được làm thực chất để đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, như tên gọi của nghị quyết.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngay lập tức quyết định thành lập Ban chỉ đạo về tinh gọn bộ máy của Chính phủ cho thấy quyết tâm của ông.

Chính phủ trong thời kỳ bao cấp đã làm mọi việc từ A đến Z, từ lập kế hoạch đến sản xuất, phân phối… nên bộ máy rất cồng kềnh. Sau Đổi mới, Chính phủ đã tiến hành 3 đợt điều chỉnh tổ chức để phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Từ giai đoạn 2002-2007 đến nay, Chính phủ còn 22 bộ, cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ.

Cho dù đã có nhiều đợt cải cách, đặc biệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để cải cách môi trường kinh doanh tốt hơn, nhưng cơ cấu hiện nay vẫn còn rất nặng nề, chưa phân biệt được vai trò giữa Nhà nước và thị trường và giữa chức năng, nhiệm vụ của trung ương và địa phương.

Ở Quốc hội, Tổng Bí thư nói ông “rất bức xúc” trước tình trạng cát, đá, sỏi 5-6 bộ cùng nghiên cứu nhưng không biết ai chủ trì, không biết ai chịu trách nhiệm chính hay chuyện một tờ giấy khai sinh thôi cũng phải 5-6 cơ quan tham gia.

Hôm qua, báo chí tường thuật ý kiến của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nói tại cuộc họp về kết quả triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính. Ông chỉ rõ 3 mảng là chủ trương đầu tư, đất đai, quy hoạch với 3 hệ thống luật pháp “không biết cái nào là tiền đề, cái nào trước, cái nào sau, cái nào quyết định cái nào”.

“Thu thì không thu được nhưng hành hạ nhau về thủ tục, có những dự án 5, 10 năm không triển khai được do những vướng mắc này”, ông nói nhân phản ánh của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng bình luận thêm: “Thời hạn đầu tư trong vòng 24 tháng là phải triển khai, nhưng riêng giấy phép đã mất 1,5-2 năm rồi… Lỗi của nền hành chính nhưng lại trừ đi thời hiệu của doanh nghiệp”.

UBND   Thach Thao (13).jpg
Dù đã có nhiều đợt cải cách, đặc biệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh nhưng cơ cấu hiện nay vẫn còn nặng nề. Ảnh: Thạch Thảo

Gần đây, lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho biết hiện có tới 1.200-1.300 dự án với nguồn lực rất lớn đang gặp các vướng mắc pháp lý. Với số dự án treo lớn đến như vậy, Đà Nẵng làm sao còn không gian để phát triển?

Chỉ một tỉnh thành đã như vậy, thử hỏi toàn quốc sẽ như thế nào?

Năm 2011, trước khi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, ông Lê Viết Thái, Trưởng ban Thể chế Kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, từng thực hiện một đề tài nghiên cứu về đổi mới Chính phủ.

Sau khi rà soát lại các tài liệu liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức từ cấp bộ, tổng cục, cục, vụ, phòng, nhóm nghiên cứu ước tính cỡ “vài chục vạn đầu việc” mà Nhà nước phải làm chỉ ở riêng cấp bộ, ngành. Số đầu việc nhiều đến nỗi, nhóm nghiên cứu không thể nào đủ thời gian để xác định xem các cơ quan đó có làm được tất cả các việc đấy không.

Biểu hiện rõ nhất của tình trạng trên là hàng núi các loại giấy phép kinh doanh, giấy phép con không cần thiết; các quy chuẩn, tiêu chuẩn không thể thực thi được; các thủ tục hành chính dài bất tận được ban hành cản trở sự phát triển của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.

Trong hơn 13 năm qua, có lúc các điều kiện kinh doanh đã được quyết liệt cắt giảm ở cấp cao nhất, nhưng rồi chúng lại bùng lên.

Xin trích dẫn số liệu sau từ báo cáo của Chính phủ: Từ đầu năm 2021 đến tháng 3 năm 2024, có 2.866 quy định kinh doanh bị cắt giảm, đơn giản hóa tại 243 văn bản quy phạm pháp luật, chiếm 18% trên tổng số 15.801 quy định kinh doanh.

Số quy định kinh doanh ngày nay lên đến gần 16.000 thì làm sao doanh nghiệp và người dân có không gian để làm ăn, phát triển!.

2 câu chuyện đáng nhớ

Nhân đây, xin kể lại hai câu chuyện thời sự mà hẳn bạn đọc còn nhớ.

Chuyện thứ nhất. Sau khi các lãnh đạo của Cục Đăng kiểm bị bắt vì tội nhận hối lộ, thì các quy định cực kỳ ngặt nghèo, trái khoáy về việc đăng kiểm xe cơ giới mới được gỡ bỏ, thay thế dù trước đó, nhiều nhà sản xuất xe ô tô, các Hiệp hội doanh nghiệp có kiến nghị bao nhiêu cũng không thành công.

Chuyện thứ hai. Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 15 để thay thế Nghị định 38 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm. Về thực chất, Nghị định 15 đã loại bỏ các quy định kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm với bất kỳ loại hàng hóa nhập khẩu nào. Hay nói cách khác, Bộ Y tế phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và trao quyền chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp. Các hiệp hội doanh nghiệp ước tính, bỏ Nghị định 38 đã giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Kết quả thực tế đã trả lời sau các câu chuyện trên diễn ra là, chúng ta đã tiếp nhận thêm nhiều khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế; không có các vụ tai nạn giao thông được xác định khi nới quy định đăng kiểm; không có các vụ ngộ độc thực phẩm nào diễn ra dù bỏ tiền kiểm.

Những câu chuyện như trên và hơn nữa cho thấy, điều quan trọng nhất là phải xác minh, phân định rõ vai trò giữa Nhà nước và thị trường. "Công dân được làm những gì pháp luật không cấm, còn cơ quan công quyền chỉ được làm những gì pháp luật cho phép".

Xin trích dẫn góc nhìn của ông Lê Minh Thông, nguyên trợ lý của Chủ tịch Quốc hội: "Sự quản lý, kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường không được phép tạo ra nguy cơ hành chính hóa nền kinh tế, cũng như thay thế vai trò của thị trường và các doanh nghiệp. Nhà nước phải tự hạn chế, giảm thiểu các biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường, thông qua việc ban hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho vận hành của thị trường, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát, bảo đảm tuân thủ pháp luật, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng trên thị trường".

Đây là gốc của vấn đề để vừa cắt giảm được các thủ tục phiền hà, vừa tạo ra khung khổ mới, tiến bộ cho phát triển, nhất là trong thời đại số và AI, như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo: "Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc; một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; chia cắt về địa bàn, lĩnh vực".

Tổng Bí thư Tô Lâm:

Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.

Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.