Đi thăm bạn trai, về nhận án tù

Thời điểm trước ngày 11/6/2021, tại phường Đại Phúc (TP Bắc Ninh) đã có một số ca mắc Covid-19 ngoài cộng đồng. UBND TP đã quyết định cách ly y tế đối với cụm dân cư thuộc khu 4 và khu 10, phường Đại Phúc.

Theo cáo buộc, vì có tình cảm với anh N.V.Q (SN 1990, trú tại phường Đại Phúc, TP Bắc Ninh), ngày 28/5/2021, chị Nguyễn Thị Phương (SN 1987, ở Phú Thọ) bắt xe từ Hà Nội đến nhà anh Q.

Do có tiếp xúc với bạn trai là người đã mắc Covid-19, từ ngày 10- 12/6/2021, chị Phương có biểu hiện ho và sốt, thuộc trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2.

Dù vậy, chị vẫn di chuyển từ phường Đại Phúc đang có dịch sang khu Hòa Đình, phường Võ Cường (TP Bắc Ninh) là nơi chưa có dịch.

{keywords}
Ảnh minh họa. Ảnh Lê Anh Dũng

Tại đây, chị đã tiếp xúc với anh Tr.V.L (SN 1971) và V.V.Th (SN 1977), khiến hai người này bị nhiễm Covid-19. Cáo buộc cho rằng, chị Phương còn khai báo y tế không đầy đủ về lịch trình đi lại.

Hành vi của chị bị buộc vào tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Tội phạm được quy định tại điều 140, BLHS.

Tháng 10/2021, TAND TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) tuyên phạt chị Phương mức án 20 tháng tù.

Giờ đây, đâu đó người ta vẫn nhắc đến chuyện va phải F0 ở quán ăn, bắt gặp F0 đi giao hàng...

Thậm chí, Bộ Y tế vừa có đề xuất phương án đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly. Với F0 không có triệu chứng trong thời gian cách ly, Bộ Y tế kiến nghị các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.

F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin được đề xuất cho phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Rõ ràng, quá trình phòng chống dịch bệnh có thể chia ra làm hai thời kỳ. Thời kỳ trước khi có vắc xin, thuốc hỗ trợ điều trị và thời kỳ sau khi có vắc xin.

Đến nay, chính sách về phòng chống dịch bệnh Covid 19 đã có thay đổi.

Nếu trước đây, chính sách quản lý chặt chẽ, khoanh vùng diện rộng, truy vết và xử lý y tế, cách ly y tế triệt để đối với những trường hợp nhiễm bệnh và nghi ngờ mắc bệnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh bằng các chế tài hành chính hoặc hình sự.

Lúc này đã chuyển sang thực hiện chính sách "thích ứng linh hoạt" theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, tiến tới bình thường hóa với Covid-19.

Tuy nhiên, khi chính sách thay đổi, các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh vẫn chưa thay đổi.

Cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường chỉ ra rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống dịch bệnh, để đảm bảo sự thống nhất giữa chính sách và pháp luật.

{keywords}
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

Luật sư phân tích, theo quy định của Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, những người tiếp xúc với người mắc bệnh, những người đi qua vùng dịch, tiếp xúc với mầm bệnh vẫn phải khai báo y tế, thực hiện cách ly y tế, xử lý y tế theo quy định.

Trường hợp khai báo gian dối, không khai báo y tế, không tuân thủ quy định về hạn chế kinh doanh mà làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 hoặc Điều 295 BLHS.

Nội dung này được hướng dẫn cụ thể chi tiết và đã áp dụng nhiều lần tại công văn số 45/TANDTC-PC.

Trong bối cảnh hiện nay, khi chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi, chúng ta thích ứng linh hoạt, tiến tới bình thường hóa với loại dịch bệnh này, cũng cần sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, để tránh trường hợp những hành vi vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì không truy cứu hoặc xem xét xử lý thì không phù hợp với chính sách mới.

Theo Tiến sỹ Đặng Văn Cường, đối với những người đã bị kết án về các tội danh liên quan đến dịch bệnh mà đến nay mới có sự thay đổi về chính sách, những người này vẫn tiếp tục phải thi hành bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.

Việc đặc xá, giảm án, tha tù có điều kiện, trên cơ sở các văn bản pháp luật hiện hành.

Đối với những trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh như không khai báo y tế, không thực hiện việc cách ly y tế làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, nếu có căn cứ vẫn xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không xử lý hình sự thì phải áp dụng quy định tại Điều 29 BLHS là miễn trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 29 BLHS quy định, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa...

Như vậy, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện có người vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh, hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, nhưng nay chính sách về phòng chống dịch bệnh đã thay đổi, cơ quan tiến hành tố tụng có thể căn cứ vào Điều 29 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự.

Trường hợp cơ quan tố tụng đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự có liên quan đến phòng chống dịch bệnh, nhưng chính sách chưa thay đổi thì cũng có thể căn cứ vào quy định tại Điều 29 này để miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ giải quyết vụ án.

Cô gái nhận án tù vì ‘liều mình’ thăm bạn trai nhiễm Covid-19

Cô gái nhận án tù vì ‘liều mình’ thăm bạn trai nhiễm Covid-19

Liều mình đi thăm bạn trai nhiễm Covid-19 ở vùng dịch, cô gái phải nhận 20 tháng tù vì tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. 

T.Nhung