Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường được nhiều cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện.

Tại trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), bộ quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học được nhà trường xây dựng trên tinh thần vừa tuân thủ các quy chế, quy định về đạo đức nhà giáo, nền nếp, kỷ luật trong môi trường sư phạm của ngành giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lý độ tuổi học sinh; thể hiện được mối quan hệ nhân văn và thân thiện giữa các chủ thể trong môi trường học đường như thầy với thầy, thầy với trò, thầy với phụ huynh, trò với trò…

ngo si lien2.jpg
Các học sinh vui vẻ thân thiện, cùng học, cùng chơi.

Trong chương trình học, nhà trường cũng chú trọng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa để thầy - trò có cơ hội giao lưu, đối thoại với nhau, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Ngoài đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, nhà trường còn có Phòng Tư vấn tâm lý học đường và hộp thư điện tử với vai trò là những địa chỉ tin cậy để tiếp nhận thông tin từ học sinh, kịp thời tháo gỡ những nút thắt, vướng mắc trong tư tưởng, tâm lý cho các em. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nền nếp của giáo viên, học sinh vào đầu giờ buổi sáng, buổi chiều và đột xuất trong giờ học

Tại Trường THCS Gia Thụy, cô Nguyễn Thị Mỹ Linh - hiệu trưởng cho biết, nhận biết được tầm quan trọng của văn hóa học đường nên nhà trường rất chú trọng trong việc giáo dục học sinh từ những việc nhỏ nhất như chào hỏi người lớn, chào hỏi các thầy cô.

Theo cô Linh, văn hóa chào hỏi mang những giá trị tốt đẹp và nhiều ý nghĩa trong cuộc sống cũng như tương lai sau này của các em. Học sinh khi thực hiện tốt văn hoá chào hỏi sẽ tạo dựng một thói quen tốt, một thái độ tốt trong cuộc sống và công việc. Khi đạo đức tốt thì ý thức học tập tốt, kết quả học tập trong năm cũng sẽ tốt.

ngo si lien1.jpg
Học sinh cùng hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ học tập.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch danh dự Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, văn hóa học đường thể hiện ở kỷ cương giáo dục là trường học phải gương mẫu về giờ giấc, nội quy... 

Học sinh và đội ngũ nhà giáo không những phải thực hiện kỷ cương, kỷ luật mà còn cần hỗ trợ nhau hoàn thành phần việc của mình. Thầy cô giáo phải gương mẫu, nền nếp, đúng giờ và làm sao để học sinh thấy rằng các em không chỉ bị yêu cầu thực hiện kỷ luật, kỷ cương mà còn được yêu cầu lại với thầy cô. 

Học sinh khi đến trường phải thực hiện đúng nội quy, nền nếp văn hóa của mỗi nhà trường đặt ra và coi đó là trách nhiệm, nghĩa vụ nhưng cũng là vinh dự. Mục tiêu của giáo dục là giúp mỗi người phát triển bản thân, nâng cao giá trị, phẩm chất. 

Mỗi địa phương phải quan tâm tới từng nhà trường để giúp thầy cô làm tốt nhất phần việc của mình, đặc biệt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu rất nặng việc thực hành, tổ chức cho học sinh hoạt động, trải nghiệm.

Thực tế cho thấy, tại các nhà trường, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh chính là yếu tố quan trọng giúp giữ vững kỷ cương giáo dục. 

Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quy định của ngành, quy tắc văn hóa ứng xử của các cơ sở giáo dục tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện.

Tại một số địa phương, để giáo dục văn hóa học đường trở thành hoạt động hữu ích thực sự đã ổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh ký cam kết thực hiện các nội quy, quy tắc văn hóa ứng xử trong trường học. 

Đồng thời, quán triệt tới mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh cần tuân thủ chuẩn mực về ngôn ngữ, thái độ, hành vi trong giao tiếp, ứng xử; đạo đức, lối sống, tác phong, phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc; chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp; tinh thần, thái độ làm việc, học tập nghiêm túc, tích cực, trách nhiệm, cầu thị…

Cùng với sự nỗ lực từ ngành Giáo dục, rất cần sự phối hợp đồng bộ từ gia đình, phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, từ đó, tạo nên môi trường sư phạm an toàn, thân thiện, tích cực, hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho các em học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.