Hội thảo tạo diễn đàn khoa học để đánh giá, tổng hợp các kết quả nghiên cứu thực tiễn, đề xuất các giải pháp xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh giáo dục hiện nay. Qua đó, hội thảo góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kiến tạo một nền văn hóa học đường tiên tiến, hài hòa với bản sắc văn hóa dân tộc và xu thế phát triển của thời đại.

Hội thảo đã tiếp nhận gần 200 bài tham luận, trong đó có 58 tham luận tiêu biểu được chọn đăng kỷ yếu và 5 tham luận được chuyên gia trình bày trực tiếp.

thisinhthitoan.jpg
Xây dựng và phát triển văn hóa từ gốc là khâu then chốt, mang tính quyết định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu góp phần hình thành thói quen, tạo môi trường rèn luyện cho thế hệ học sinh Việt Nam (Ảnh minh họa)

Nội dung các tham luận đề cập đến hệ thống lý luận xây dựng văn hóa học đường; thực trạng và giải pháp xây dựng văn hóa học đường; mô hình và các nghiên cứu trường hợp xây dựng văn hóa học đường. 

Với tham luận “Một số vấn đề lý luận về xây dựng văn hoá trường đại học ở Việt Nam hiện nay trong bối cảnh chuyển đổi số”, TS Nguyễn Thanh Đạt, Phó trưởng Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TPHCM, chỉ ra những cơ hội và thách thức trong xây dựng văn hóa trường đại học ở Việt Nam trước bối cảnh chuyển đổi số.

TS Đạt cho rằng, chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội quan trọng trong việc xây dựng văn hoá trường học, tạo điều kiện thuận lợi giảng viên và sinh viên gia tăng khả năng tích hợp công nghệ trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập.

Qua tham luận “Sự biến đổi của văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục đại học dưới sự tác động của chuyển đổi số ở nước ta hiện nay”, ThS Nguyễn Trung Hiếu, giảng viên Trường ĐH Tiền Giang nhận định, văn hóa học đường là một trong những nội dung cơ bản tạo nên chất lượng của một cơ sở giáo dục. 

Nếu chúng ta nhận thức đầy đủ và đúng đắn những biến đổi đang diễn ra trong bức tranh văn hóa học đường hiện nay sẽ rất hữu ích đối với công tác đề xuất phương hướng, xác định các giải pháp phù hợp nhằm phát huy những tác động tích cực của chuyển đổi số đối với nhiệm vụ phát triển văn hóa học đường trong tương lai.

Các chuyên gia cho rằng, xây dựng và phát triển văn hóa từ gốc là khâu then chốt, mang tính quyết định, đây là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu góp phần hình thành thói quen, tạo môi trường rèn luyện cho thế hệ học sinh Việt Nam.

Do đó cần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng văn hóa học đường trong bối cảnh giáo dục hội nhập quốc tế, giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo có thêm nguồn dữ liệu định hướng nâng cao chất lượng công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học, giảng dạy và học tập.