Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Thay mặt cho cơ quan chủ trì soạn thảo, tôi trân trọng cảm ơn các ý kiến phát biểu rất sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, phong phú và có thể nói rất thực tiễn và khoa học cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tôi xin được trân trọng tiếp thu tối đa và nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Đồng thời chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học và đại diện các nhóm chủ thể tác động để đánh giá bổ sung, hoàn thiện thêm dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách hết sức nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu chất lượng tốt hơn.

Sau đây tôi xin báo cáo, giải trình một số nội dung chủ yếu.

Vấn đề thứ nhất là qua ý kiến các đại biểu tôi xin báo cáo làm rõ thêm một số quan điểm, nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng dự án luật này.

Trước hết, các đại biểu đều biết đây cũng là một dự án luật khó. Đối tượng tác động rộng và đa dạng, nhiều chủ thể nhưng lại là một dự án luật hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội hết sức sâu sắc. Cũng phải nói đây cũng là một dự án luật mang tính đặc thù trong thể chế chính trị và pháp luật của Việt Nam nhằm để góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng cũng như tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, là mục tiêu và là động lực để phát triển xã hội. Góp phần để chúng ta xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Đồng thời chúng ta cũng thực hiện lời Bác Hồ dạy thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn trong công việc.

Ý thứ hai đó là dự thảo luật được xây dựng trên một số những nguyên tắc. Trong tờ trình chúng tôi đã nêu nhưng chúng tôi cũng muốn nêu thêm.

Thứ nhất, đó là thể chế hóa cho bằng được phương châm "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".

Thứ hai, đó là đặt việc thực hiện dân chủ cơ sở trong tổng thể cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là trung tâm để nhân dân làm chủ.

Thứ ba, đó là giải quyết được mối quan hệ giữa thực hành dân chủ với tăng cường pháp chế và đảm bảo kỷ cương xã hội. Đây là một nội hàm rất rõ xuyên suốt trong dự thảo luật này. Dân chủ phải gắn với sinh kế với dân trí, với dân sinh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh. Đồng thời để chúng ta xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, ở cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và đảm bảo được sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.

Vấn đề thứ tư, bởi vì đây cũng là một dự án luật có thể nói liên quan rất nhiều những bộ luật hiện hành của chúng ta. Chúng tôi rà soát có thể nói tới 30, 40 dự án luật có liên quan, nhưng rõ nhất là khoảng 20 dự án luật có liên quan. Làm thế nào để chúng ta vừa đảm bảo kế thừa những văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở đã được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn, phù hợp, hiệu quả. Bởi vì, từ năm 1998, khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 30 thì từ đó đến nay có thể nói là thể chế bằng rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và của Chính phủ để chúng ta thực hiện vấn đề dân chủ. Cho nên, làm sao mà vừa phát huy được những hiệu quả thực tiễn đã chứng minh là đúng, nhưng đồng thời cũng lại phải bổ sung, phát triển, hoàn thiện, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo, không trùng lặp và không xung đột với các văn bản luật hiện hành. Như tôi nói, hiện nay có khoảng rõ nhất phải 20 luật đều liên quan đến thực hiện dân chủ. Nếu như không khéo trong việc xây dựng luật này thì sẽ rất dễ dẫn đến sự chồng chéo và xung đột lẫn nhau. Cho nên, chúng tôi phải tính toán, cân nhắc để đảm bảo được tính khoa học, đại chúng, khả thi, dễ tiếp cận nhưng không trùng lắp. Từ đó để dự án luật này thực chất hơn, thực hiện trong thực tiễn khả thi hơn. Vấn đề thứ hai chúng tôi xin nhấn mạnh thêm như vậy.

Từ nguyên tắc trên phương pháp tiếp cận cũng như cách thiết kế của dự án luật này chúng tôi đã lấy vai trò chủ thể chủ đạo trung tâm là nhân dân. Đồng thời, trong việc thực hành dân chủ của dự thảo luật chúng tôi đi theo mạch của trình tự, phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng. Để hướng tới mục tiêu, yêu cầu là dân chủ đại diện thì được phát huy, dân chủ trực tiếp thì được mở rộng và phù hợp với tính chất của từng loại hình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và dân chủ tại cơ quan đơn vị, dân chủ tại doanh nghiệp. Làm sao để phù hợp với tính chất đặc thù, đặc điểm của từng loại hình như vậy. Trong đó, riêng về nội hàm dân thụ hưởng được thiết kế vào một khoản chung trong Điều 4 của những vấn đề chung ở Chương I, để không trùng lắp và đảm bảo được tính bao quát nhất. Đó là người dân của chúng ta khi thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát thì được thụ hưởng. Thụ hưởng mọi lĩnh vực về chính trị, về kinh tế, về văn hóa, xã hội, về quốc phòng, an ninh hay bao trùm nhất chính là thụ hưởng về giá trị vật chất và giá trị tinh thần Cho nên chúng tôi không thiết kế phần dân thụ hưởng theo một chuỗi của từng loại hình thực hiện dân chủ ở 3 nội dung nêu trên và chúng tôi thiết kế thành một chương riêng để xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cho tổ chức, cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền và cho chức năng, nhiệm vụ vì vấn đề này chúng tôi thấy hôm nay đại biểu phát biểu cũng rất đồng tình với cách thiết kế này. Tuy nhiên từ quan điểm, từ nguyên tắc, từ cách tiếp cận để xây dựng luật có những mặt mà hôm nay đại biểu phát biểu chúng tôi thấy cũng còn phải tiếp tục hoàn thiện thêm để đảm bảo được yêu cầu chất lượng hơn. Chúng tôi trân trọng tiếp thu.

Thứ hai, có các vấn đề cụ thể đại biểu tham gia rất sâu, rất rộng và rất xác đáng. Chúng tôi xin được tiếp thu và trong đó có rất nhiều những vấn đề đại biểu nêu như tên gọi, khái niệm, bố cục, phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, về quyền dân chủ của nhân dân, về thực hiện dân chủ ở từng loại hình, về cơ chế để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở, về xử lý vi phạm liên quan đến thực hiện dân chủ cơ sở, về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội, về trách nhiệm của cơ quan nhà nước cũng như về ngôn ngữ, về kỹ thuật lập pháp, v.v.. Tất cả những vấn đề này, chúng tôi xin được tiếp thu và sẽ giải trình đầy đủ những nội dung sau kỳ họp ngày hôm nay. Theo đó chúng tôi tập trung giải trình vào mấy vấn đề mà đại biểu quan tâm nhiều nhất.

Vấn đề thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Việc thực hiện dân chủ ở cơ sở với 3 loại hình cơ sở đó là thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có mở rộng đến cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã và thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị và thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự thảo nêu không phải là vấn đề mới mà trên cơ sở chính trị pháp lý từ Chỉ thị số 30, Chỉ thị số 10 cũng như Kết luận số 65 và Kết luận 160 của Bộ Chính trị và trên cơ sở các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X, đó là Nghị quyết số 45, Nghị quyết số 55 từ khóa X và Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI và đồng thời 9 nghị định quyết định của Chính phủ từ năm 1998 cho đến nay đã được thực hiện trên thực tiễn và Ban soạn thảo đã đánh giá tác động để kế thừa, bổ sung, phát triển, hoàn thiện xây dựng dự án luật này cho phù hợp với yêu cầu mới. Chúng tôi cũng xin được báo cáo với đại biểu như vậy. Nhưng trong đó thì cũng có nhiều ý kiến các đại biểu tham gia nhưng tập trung nhiều nhất đó là dân chủ trong doanh nghiệp.

Thứ nhất, đối với việc thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, bao gồm cả tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê muớn và sử dụng lao động. Thực ra điều này chúng tôi áp dụng theo Điều 3 của Bộ luật Lao động và cũng là việc kỹ thuật cho việc gọi tắt, tránh phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trong dự án luật này. Vấn đề này cũng không phải là vấn đề mới, chúng ta đã thực hiện Nghị định từ năm 2013, đó là trên cơ sở Kết luận số 65 của Bộ Chính trị và sau đó Nghị định 60, Nghị định 159 cũng như mới đây nhất là Nghị định 145, sau khi cụ thể hóa Bộ luật Lao động năm 2019, đại biểu Tống Văn Băng, Hải Phòng cũng nêu. Thực chất nội dung này khi đưa vào là một việc mà chúng ta kế thừa các quy định nêu trên và không làm thay đổi bản chất quan hệ lao động, không làm ảnh hưởng và xung đột các bộ luật liên quan, không mâu thuẫn các điều ước quốc tế về lao động mà Việt Nam tham gia và bảo đảm được mối quan hệ hài hòa, hợp tác cùng phát triển. Nếu doanh nghiệp làm tốt biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và là cơ chế để hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện vấn đề này hơn.

Thứ hai, về cơ chế để đảm bảo thực hiện dân chủ cơ sở. Chúng tôi đề cập 5 vấn đề.

Một là, trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở.

Hai là, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội.

Ba là, về vấn đề việc kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Bốn là, về điều kiện để đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Năm là, việc phát huy dân chủ với tăng cường pháp chế và kỷ cương xã hội. Những nội dung này đã được thể hiện xuyên suốt trong dự án luật, chúng tôi không có thời gian để giải thích thêm.

Về Ban Thanh tra nhân dân, các đại biểu tham gia đóng góp rất nhiều và cơ bản là các đại biểu đồng tình, chỉ yêu cầu bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, hình thức, cơ chế, trình tự, vai trò, trách nhiệm và điều kiện để đảm bảo cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, chúng tôi xin tiếp thu.

Về vấn đề công khai và phương thức công khai là nội dung thứ tư, đại biểu cũng quan tâm rất nhiều, chúng tôi xin được tiếp thu, vì đây là một vấn đề rất quan trọng trong bắt đầu khởi sự của phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng".

Kính thưa đại biểu Quốc hội,

Những ý kiến tham gia của đại biểu tại tổ cũng như tại hội trường hôm nay rất là phong phú, hết sức sâu sắc. Thay mặt cơ quan soạn thảo, chúng tôi xin trân trọng tiếp thu, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, chỉnh lý dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Xin trân trọng cảm ơn các đại biểu.