Thưa Ngài Tổng Thư ký EROPA,
Thưa Ngài Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương Philippines
Thưa các vị đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam,
Thưa quý vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học đến từ các quốc gia!
Hôm nay, giữa những ngày tươi đẹp của mùa thu Hà Nội – Thành phố vì Hòa bình, chúng ta cùng nhau họp mặt tại đây để tham dự Hội nghị Tổ chức Hành chính miền Đông Thế giới (EROPA) với chủ đề “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”. Tôi rất vui mừng, phấn khởi được tới dự Hội nghị đầy ý nghĩa này, thay mặt Bộ Nội vụ, tôi nhiệt liệt chào mừng Ngài Tổng thư ký EROPA, các vị đại biểu, khách quý, các nhà khoa học và các diễn giả từ các quốc gia trên thế giới đã đến tham dự Hội nghị. Chúc các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và có những ngày lưu lại Việt Nam thật nhiều niềm vui và ấn tượng tốt đẹp về thủ đô Hà Nội và đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi!
Thưa quý vị!
Trong giai đoạn hiện nay, các quốc gia trên thế giới đang đối mặt với không ít những thách thức về phát triển bền vững. Các cú sốc nặng nề, đa chiều do tác động của Covid-19, một khủng hoảng được Ngân hàng thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế xem là trầm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, cùng với biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh phi truyền thống, những xung đột với nhiều cấp độ khác nhau tại một số quốc gia, những diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế đang đặt ra nhiều thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với không ít hệ lụy trong thời kỳ hậu đại dịch, tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và phát triển bền vững. Do đó, việc lựa chọn vấn đề quản trị công với mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là chủ đề chính của Hội nghị EROPA cho thấy vai trò, trách nhiệm của EROPA trước các vấn đề cần giải quyết, các vấn đề phát triển của khu vực và toàn cầu.
Thưa quý vị,
Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, Việt Nam luôn chủ động tham gia, đóng góp vào các hoạt động của EROPA trong thời gian qua. Để xây dựng nền quản trị công có hiệu quả, là động lực cho phát triển bền vững, tôi cho rằng chủ đề của Hội nghị “Vai trò của quản trị công trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững” là rất thiết thực, phù hợp. Đó không chỉ là sự khẳng định về vai trò mà còn là tiếng nói về trách nhiệm của quản trị công đối với phát triển bền vững. Trong không khí trao đổi khoa học, cởi mở, chân thành, thẳng thắn của Hội nghị, tôi xin chia sẻ một số nội dung quan trọng sau:
Một là, trong đại dịch Covid-19, những chậm trễ khi ứng phó với các vấn đề về phát triển, biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống đã cho thấy những hạn chế của quản trị toàn cầu. Đối mặt với đại dịch Covid-19, với các điểm nghẽn của phát triển ở tầm mức quốc gia và quốc tế, quản trị công được kỳ vọng cần phải có đủ năng lực xử lý khủng hoảng, kiến tạo mô hình quản trị quốc gia hiệu quả. Điều này cho thấy, cùng với quản trị toàn cầu, quản trị quốc gia ở mỗi quốc gia cần phải thực sự là bệ phóng, đòn bẩy dẫn dắt cho sự phát triển.
Hai là, những biến đổi, diễn biến phức tạp của đời sống quốc tế một lần nữa cũng đặt ra những thách thức đối với quản trị công cả về lý luận và thực tiễn. Dù chúng ta có những triết lý khác nhau về quản trị công, quản trị khủng hoảng nhưng ở mỗi quốc gia, trong những giai đoạn nhất định, để cân bằng giữa các mục tiêu phát triển, các quốc gia đều phải đối mặt với không ít khó khăn, thậm chí còn phải đánh đổi, phải trả giá nặng nề ngay trong hiện tại. Bối cảnh hiện nay cũng cho thấy, mỗi quốc gia đang xử lý những vấn đề phát triển với những cách tiếp cận khác nhau. Sự chia sẻ về thành công và những điều chưa thành công để cùng nhau phát triển bền vững trở thành điểm kết nối giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Ba là, quản trị công trong thời đại ngày nay phải thực sự là quản trị phát triển, có khả năng kiến tạo các viễn cảnh và tìm ra con đường để đi đến viễn cảnh tươi sáng đó. Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Để kiến tạo phát triển bền vững, vai trò của nền quản trị công, nền công vụ ở mỗi quốc gia cần được khẳng định và thể hiện đầy đủ hơn. Với vai trò tạo lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả thể chế, chính sách cho phát triển bền vững, huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển, xây dựng các kịch bản phát triển không chỉ trong điều kiện bình thường mà còn trong các điều kiện môi trường nhiều biến động, nhiều bất lợi, thách thức, nền công vụ phải trở thành một nhân tố trung tâm của các nỗ lực phát triển bền vững. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên, cải cách công vụ đã trở thành xu thế, nội dung trọng tâm trong đổi mới quản trị công ở mọi quốc gia như một giải pháp cho phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai.
Thưa quý vị,
Với nỗ lực phục hồi và thúc đẩy phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách đột phá. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của Việt Nam xác định: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Việt Nam đồng thời tập trung các nguồn lực cho mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
Sự nỗ lực của nền công vụ, nền quản trị công ở Việt Nam đã được ghi nhận bằng thành tựu duy trì tăng trưởng tốc độ trong giai đoạn dài và năm 2022, Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng 8,02%. Năm 2023, điều kiện phát triển toàn cầu có không ít khó khăn làm cho kinh tế của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Nhưng những dự báo của các tổ chức kinh tế có uy tín, tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam vẫn rất khả quan ở mức trên 5%. Điều đáng ghi nhận là giá trị tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và môi trường sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Thành tựu tăng trưởng ấn tượng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có sự đóng góp của nền công vụ.
Từ thực tiễn Việt Nam cho thấy, để thúc đẩy phát triển bền vững, nền công vụ của quốc gia phải thực sự là động lực cho phát triển. Tư duy phát triển bền vững trước tiên phải được thể hiện trong hoạt động công vụ. Đó là nền công vụ xanh với năng lực kiến tạo thể chế phát triển xanh về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, môi trường; kịp thời phản ứng chính sách trong thách thức, khó khăn phát sinh liên tục và biến động nhanh chóng từ thực tiễn; từ đó, cần thiết vai trò của quản trị công phải khơi dậy được mọi tiềm năng, sức mạnh nội lực và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phục hồi và phát triển bền vững đất nước. Nền công vụ cần có khả năng nhận diện ra cơ hội phát triển và nhìn nhận sâu sắc những rủi ro tiềm ẩn có thể phương hại đến phát triển bền vững, đưa ra những lựa chọn chính sách để hài hòa giữa các mục tiêu về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường. Nền công vụ cũng cần khả năng kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Thưa quý vị!
Với uy tín và tầm ảnh hưởng của EROPA, tôi tin tưởng rằng EROPA sẽ luôn là cầu nối gắn chặt tình đoàn kết hữu nghị và sự kết nối chân thành, thực chất vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng giữa các quốc gia thành viên. Mỗi diễn giả, mỗi nhà khoa học dự Hội nghị sẽ là những sứ giả của các quốc gia cùng chia sẻ những kinh nghiệm sinh động, hiệu quả về quản trị công hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Hi vọng Hội nghị EROPA lần này sẽ kiến giải sâu sắc và toàn diện về cải cách quản trị công, cải cách công vụ; bổ sung và phát triển thêm triết lý quản trị công trong môi trường đa biến, cùng tìm ra những giải pháp đột phá về cải cách công vụ để thúc đẩy phát triển bền vững. Trước những biến động khó lường của thế giới đương đại, làm thế nào để thúc đẩy đổi mới nền quản trị công, nền công vụ của mỗi quốc gia thực sự dẫn dắt cho phát triển bền vững là câu hỏi lớn đang chờ các nhà khoa học, các chuyên gia cùng thảo luận, cùng chia sẻ để sau Hội nghị này, chúng ta sẽ thêm những tri thức mới, những kinh nghiệm hay và những gợi mở sâu sắc đáng suy ngẫm đóng góp cho quá trình cải cách công vụ ở mỗi quốc gia và toàn cầu.
Với ý nghĩa đó, tôi tin tưởng Hội nghị sẽ là một diễn đàn sôi nổi, phong phú, chân thành, thân thiện, bổ ích và hiệu quả; tôi xin chúc Hội nghị EROPA thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!