Liều lĩnh, manh động và tàn ác

Nghi phạm Phạm Văn Minh (SN 1983, trú ở Cẩm Long, Cẩm Thuỷ, Thanh Hóa) vừa bị Công an tỉnh Bắc Ninh tạm giữ hình sự để điều tra về hành vi sát hại tình địch là anh Trần Văn H. (SN 1976, ở Hiệp Hoà, Bắc Giang). 

Minh đã có vợ con, từ quê ra làm công nhân ở TP Từ Sơn, thuê nhà của chị Nguyễn Thị P. và có quan hệ tình cảm với chị này từ đầu năm 2020 đến nay. 

Gần đây, Minh phát hiện chị P. có quan hệ với anh H. nên nảy sinh ghen tuông.

Nghi phạm đã rình để nắm bắt quy luật sinh hoạt của anh H. và ra tay khi nạn nhân đi mua ăn sáng để đi làm vào rạng sáng 19/9. 

Dư luận TP.HCM cũng đang xôn xao với vụ việc, người đàn ông giết người yêu rồi chở xác đến trụ sở công an đầu thú.

Nghi can Đỗ Tấn Lộc (32 tuổi, ngụ quận 7) cùng tang vật, vật chứng đã được Công an TP.HCM chuyển giao cho Công an tỉnh Trà Vinh để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Nghi can sau khi sát hại người yêu đã chở thi thể đến công an đầu thú. Ảnh: L.A

Lộc khai, đã có vợ và hai con nhưng có quan hệ tình cảm nam nữ với chị T.T.Q (30 tuổi, quê Trà Vinh). Còn chị Q. từng có gia đình nhưng đã chia tay.

Chiều 18/9, Lộc từ TP.HCM chạy xuống Trà Vinh gặp chị Q và chở người yêu đến tỉnh Vĩnh Long đi làm răng.

Quá trình đó, hai người nảy sinh mâu thuẫn khi chị Q. hỏi chuyện Lộc ly hôn vợ. Đỉnh điểm, Lộc đâm chị Q. một nhát ngay cổ khiến nạn nhân tử vong.

Cũng liên quan đến mâu thuẫn tình cảm, ngày 13/9, Thái Xuân Bình (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành, Đồng Nai) đã nhẫn tâm chém đứt lìa 2 cánh tay của người “đầu gối tay ấp” của mình, là chị N.T.T. (26 tuổi).

Một vụ việc khác gây bức xúc dư luận xảy ra gần đây, khi kẻ gây án vô cùng tàn ác với một cô gái 18 tuổi. Hôm đó khoảng 2h ngày 5/9, em G.T.P. (SN 2005, huyện Quản Bạ, Hà Giang) đi xe khách xuống xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Tại đây, em P. bắt xe ôm của Dương Văn Thế (SN 1988, ở tổ dân phố Bảo Sơn, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên). 

Cơ quan chức năng lấy lời khai của nghi phạm Dương Văn Thế. Ảnh: VKSND tỉnh Vĩnh Phúc

Trên đường đi, Thế nảy sinh ý định muốn quan hệ tình dục với em P. Kẻ bệnh hoạn cố tình điều khiển xe máy đi vào đoạn đường sóc, nhiều ổ gà khiến P. nghiêng người, ngã xuống.

Lập tức, đối tượng dừng xe máy, vờ đỡ và ôm chặt em P. Lúc này, P. vùng giãy quyết liệt và nói sẽ báo công an. Trong cơn cuồng loạn, Thế bóp cổ P. và dùng đá, gạch đập liên tiếp cho đến khi cô bé bất động.

Sau đó, Thế lấy bạt che đậy thi thể nạn nhân và lục soát, lấy chiếc điện thoại di động cùng hơn 700 nghìn đồng ở ốp điện thoại.

Ngoài ra, nhiều vụ án mạng liên quan đến tình cảm xảy ra gần đây, ngay trên đường phố Hà Nội gây chấn động dư luận, như vụ xảy ra tại đường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội tối 15/9. Nghi can Lê Văn Thức đã dùng dao sát hại dã man nam thanh niên đi cùng người tình của mình.  

Trước đó, người dân đi trên phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng từng chứng kiến vụ việc đối tượng Mai Xuân Thái dùng dao đâm 14 nhát vào người tình khiến chị này tử vong. Sau đó, kẻ “điên tình” dùng dao tự đâm vào người với mục đích tự sát, rồi nằm ôm thi thể tình nhân.

Tăng nặng hình phạt

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/9, đại biểu Dương Khắc Mai từng nhấn mạnh đến thực tế nhiều vụ án, vụ việc xảy ra rất nghiêm trọng, tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp và những hành vi phạm tội rất tàn bạo, độc ác. 

“Cử tri gửi cho tôi câu hỏi: Bây giờ pháp luật nhân văn, nhân đạo hơn, còn tội phạm như thế thì có ổn không. Nên chăng xử lý tội phạm tương thích với hành vi phạm tội để đủ sức răn đe”, ông chia sẻ và đề nghị Chính phủ đánh giá phân tích vấn đề này, nguyên nhân nào và xu hướng ra sao, cần phải có biện pháp mạnh hơn.

“Quan điểm của tôi là phải tăng nặng hình phạt. Kể cả tội phạm tham nhũng và các loại khác, để đủ sức răn đe”, ông Mai nhấn mạnh.

Cũng tại đây, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận cơ cấu tội phạm hậu Covid-19 đang rất phức tạp ở một số nhóm tội danh như: mâu thuẫn dẫn đến giết người thân, giết nhiều người thân, tội phạm tâm thần, ngáo đá, lừa đảo, tệ nạn xã hội, dâm ô...

Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Bộ đã chủ động có giải pháp, cố gắng mỗi năm giảm 5% tội phạm so với năm trước. Số liệu ghi trong các báo cáo đều thấy rất cố gắng nhưng cần có giải pháp đồng bộ.

Phối hợp các lực lượng từ khu dân cư

Từ những vụ án nêu trên, Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học) Bộ Công an cho biết trên VOV, nguyên nhân là do sợi dây kết nối bằng huyết thống và hôn nhân trong mỗi gia đình hiện nay lỏng lẻo hơn trước kia. 

Con người ta sống vì lợi ích cá nhân, vô cảm, bàng quan với mọi thứ xung quanh… tất yếu dẫn đến một phản ứng dây chuyền trong các thành viên khác. Trên một nền như thế, nếu phát sinh mâu thuẫn, xung đột, va chạm, xích mích.., họ dễ dàng tìm đến cách xử lý mang tính bạo lực để giải tỏa bức xúc, vì không quan tâm đến nỗi đau của người khác, dù là người thân dưới một mái nhà.

Giải pháp, theo Thượng tá Nguyễn Trung Hiếu, cần định hướng cho giới trẻ xây dựng, hình thành nhân cách đúng đắn; ứng xử phù hợp đạo đức truyền thống của người Việt Nam… 

Thượng tá Hiếu cũng cho rằng, cơ quan điều tra có thẩm quyền cần phải có kế hoạch phối hợp với các lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã,… thông qua việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới” ở khu dân cư.

Đồng thời, điều tra cơ bản ở các cụm dân cư, khu phố, thôn xóm để chủ động nắm tình hình, phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, các hành vi bạo lực xảy ra trong các gia đình, đây là biện pháp cần được ưu tiên và thực hiện có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội.

T.Anh