- Tôi nghe một số người bạn nói về việc mở cửa hàng kinh doanh, nhưng thực chất là để thực hiện hành vi rửa tiền. Xin luật sư giải thích giúp thế nào là rửa tiền? Hành vi này quy định trong luật ra sao?
Thế nào là hành vi rửa tiền? |
Tội rửa tiền được quy định tại Điều 251 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) như sau:
“1. Nguời nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:
a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó;
b) Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác;
c) Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó;
d) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này đối với tiền, tài sản biết rõ là có được từ việc chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi tiền, tài sản do phạm tội mà có.”.
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống rửa tiền 2012 cụ thể rửa tiền là:
1. Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm:
a) Hành vi được quy định trong Bộ luật hình sự;
b) Trợ giúp cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm nhằm trốn tránh trách nhiệm pháp lý bằng việc hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản do phạm tội mà có;
c) Chiếm hữu tài sản nếu tại thời điểm nhận tài sản đã biết rõ tài sản đó do phạm tội mà có, nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc tài sản.
Tội Rửa tiền về bản chất là hành vi hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có và tội phạm này luôn gắn liền với hành vi phạm tội khác, nhất là các tội phạm về kinh tế như buôn lậu, kinh doanh trái phép, trốn thuế... các tội phạm về tham nhũng, các tội phạm về ma tuý v.v... Do vậy, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội rửa tiền có ý nghĩa quan trọng trong phòng, chống các loại tội phạm có tính chất kinh tế và một số loại tội phạm khác.
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc