Lời tòa soạn:

Tháng 8 này, khi năm học mới sắp bắt đầu, lúc hầu như mọi trẻ đều biết mình sẽ học trường nào, nhiều bố mẹ bắt đầu đôn đáo chuyện chọn và chăm sóc giáo viên để con có cơ hội được học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong suốt năm học. 

Điều này phần nào thể sự quan tâm của bố mẹ với việc học hành của con nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh? Những tiêu chí nào nên được xem xét khi chọn giáo viên? Liệu việc "chọn cô" có thật sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng của cha mẹ?... VietNamNet xin giới thiệu với quý độc giả chia sẻ của một người mẹ từng chi tiền xin cho con vào lớp có cô giáo nghiêm khắc, dạy giỏi với hy vọng con sẽ bứt phá nhưng cuối cùng lại thất vọng về kết quả. 

Tôi có 2 con trai, cháu lớn đã vào cấp 3, cháu nhỏ năm nay lên lớp 7. Cả hai đều nghịch nhưng anh cả có ý thức học tập hơn, cậu em rất lơ đễnh, học kiểu được chăng hay chớ.

Ngay từ khi các con bắt đầu đến trường, vào đầu các cấp học, tôi luôn chú ý tìm hiểu thông tin về giáo viên tốt, dạy giỏi trong trường để xin cho con vào lớp. Tôi nghĩ rằng, trình độ và cách dạy của giáo viên có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu và kết quả học tập của bọn trẻ, nên không thể đợi nhà trường phân lớp ngẫu nhiên. Đặc biệt, khi con học cấp 2, cấp 3, cô giáo chủ nhiệm có thể đồng hành cùng con suốt mấy năm học, nên càng phải quan tâm chọn từ đầu. Nhưng năm ngoái, sau khi xin học cho con trai thứ 2, suy nghĩ này của tôi có phần lung lay. 

Con trai tôi được nhận vào học một trường THCS khá gần nhà. Khi tìm hiểu các mẹ khóa trước, tôi biết có một cô giáo dạy giỏi toán, được phân công làm công tác chủ nhiệm lớp khối 6. Vài mẹ tôi quen có con học thêm lớp Toán của cô và đều có điểm khá cao khi học trên lớp cũng như trong kỳ thi vào cấp 3. Cô cũng có một số giải thưởng trong các đợt thi giáo viên dạy giỏi các cấp. 

Nhờ một vài mối quan hệ, tôi biết được lớp cô sẽ chủ nhiệm và cố gắng xin cho con vào học với chi phí 10 triệu đồng. Mặt bằng chung của lớp cao hơn một chút so với sức học của con, nhưng tôi nghĩ “thôi cứ để cu cậu phấn đấu”. Nhưng sau học kỳ 1, tôi thấy con học ngày càng đuối. Mỗi lần tôi nhắn tin, gọi điện hỏi tình hình của con, nhờ cô để ý thêm thì cô giáo chỉ trả lời hời hợt cho qua. 

Khi tôi hỏi thì con nói trên lớp cô ít khi quan tâm, giảng bài rất nhanh, bạn nào chưa hiểu hỏi lại có khi còn bị cô mắng. Sau này tôi mới biết, cô giáo rất bận rộn với các lịch dạy ngoài, không nhiệt tình với các con trên lớp. Trong khi bản thân tôi không muốn con mới lớp 6 đã phải đi học thêm, ôn luyện nhiều nên cũng không cho con học gì khác ngoài chương trình ở trường. 

Tới khi kết thúc năm học, tôi băn khoăn có nên xin cho con sang lớp khác để học cô phù hợp hơn. Con tôi không thích cô nhưng lại thân với một số bạn trong lớp nên khi mẹ nói về ý định chuyển lớp, con nhất định không nghe. Con đến tuổi ẩm ương, tôi biết nếu cứ cố làm theo ý mình, cháu dễ thể hiện thái độ chống đối, nên đành tặc lưỡi “thôi để mẹ tìm cách khác”. 

Tới bây giờ, nếu có mẹ nào hỏi tôi về việc chọn lớp, chọn cô cho con, quả thật tôi không dám mạnh mồm chỉ dẫn cô này giỏi, cô kia tốt như trước nữa. 

Gần đây, khi tâm sự chuyện này với một người bạn, tôi cũng nghe cô ấy kể về “quả đắng” khi chọn cô giáo cho con lớp 1. Bạn tôi phải nhờ mối quan hệ với hiệu trưởng mới xin được cho con vào lớp “hot” có cô giáo nổi tiếng là giàu kinh nghiệm và dạy giỏi nhất khối. Nhưng chỉ sau một tháng đi học, con gái cô ấy - từ một bé gái vui tươi, háo hức đến trường, bỗng sợ đi học, cứ tới giờ ra khỏi nhà là than đau bụng, khóc lóc. 

Sau này cô ấy tìm hiểu mới biết, ở lớp, con bị cô chê là viết và làm toán chậm, chưa biết đọc… Tệ hơn nữa, con thấy bạn bên cạnh bị cô đánh vào tay nên rất sợ. “Em thấy mình đã lựa chọn sai. Ở nhà, con được chiều chuộng, không được chuẩn bị cho khả năng thích nghi với môi trường kỷ luật. Khi đi học thì mẹ lại chọn ngay một cô cực nghiêm và trọng thành tích nên con bị sốc”, người mẹ kể với tôi. 

Quả thực, như cô bạn trên, bây giờ tôi cho rằng người giáo viên tốt nhất cho con là người thực sự quan tâm tới con trẻ và để tìm cô phù hợp thì đầu tiên là phải hiểu con mình. Tôi đã kỳ vọng rằng cô giỏi và nghiêm sẽ đưa con tôi vào nề nếp, giúp cháu tập trung học hành mà quên mất rằng nề nếp đó mình cũng góp phần lớn vào việc rèn giũa và thành tích cao hay công còn do sức học của trẻ chứ không chỉ nhờ trình độ của cô. 

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn. 

Mai Dương (Hà Nội)