Lời tòa soạn:

Tháng 8 này, khi năm học mới sắp bắt đầu, lúc hầu như mọi trẻ đều biết mình sẽ học trường nào, nhiều bố mẹ bắt đầu đôn đáo chuyện chọn và chăm sóc giáo viên để con có cơ hội được học tập và tạo điều kiện thuận lợi nhất trong suốt năm học. 

Điều này phần nào thể sự quan tâm của bố mẹ với việc học hành của con nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Làm thế nào để đảm bảo tính công bằng cho tất cả học sinh? Những tiêu chí nào nên được xem xét khi chọn giáo viên? Liệu việc "chọn cô" có thật sự mang lại hiệu quả như kỳ vọng của cha mẹ?... VietNamNet xin giới thiệu với quý độc giả ý kiến, tâm tư của một thầy giáo có gần 20 năm trong nghề, hiện công tác tại quận 1, TPHCM về vấn đề này. 

Ngày tựu trường của học sinh đã tới gần, các trường học đang tiến hành công tác chuẩn bị cho năm học mới. Ngoài chuẩn bị cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, chính trị cho giáo viên, sắp xếp nhân sự cũng là công việc quan trọng trước ngày khai giảng.

Ban giám hiệu nhà trường phải đưa ra các phương án phân công chủ nhiệm, giảng dạy phù hợp với trình độ chuyên môn, hoàn cảnh riêng của giáo viên, tình hình các lớp học... Ngoài những yếu tố chủ quan còn có yếu tố khách quan, đó là những tác động nhất định của phụ huynh, học sinh trong việc sắp xếp lớp cho học sinh, sắp xếp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giảng dạy bộ môn...         

Phụ huynh, học sinh chọn giáo viên
Có thể nói việc dạy học ngày nay có nhiều thay đổi, trường học được mở rộng đa chiều, mối quan hệ nhà trường - gia đình - xã hội được gắn kết chặt chẽ. Mối quan hệ này có tác động qua lại, để các bên có thể thấu hiểu nhau hơn, vì mục đích chung là kết quả tốt đẹp của học trò.

Các bạn học sinh ngày nay luôn chủ động trong học tập, cuộc sống, có thể trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, nhu cầu của bản thân với thầy cô, cha mẹ, bạn bè, trong đó có cả việc chọn thầy cô giảng dạy và chủ nhiệm. Việc chọn thầy cô có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau: 

Thứ nhất là phụ huynh, học sinh chọn những thầy cô có năng lực chuyên môn tốt. Những thầy cô có nhiều thành tích trong công tác giảng dạy sẽ có được sự tôn trọng, yêu quý của các bạn học sinh cũng như phụ huynh. Nhiều thầy cô được đặt hàng từ năm học trước, nhất là các thầy cô dạy môn chính, môn thi chuyển cấp. Được các thầy cô này đứng lớp, coi như có một phần bảo chứng cho kết quả thi vào các trường tốp trên.

Thứ hai là thầy cô hiền, dễ tính. Những thầy cô này được phụ huynh, học sinh chọn vì nghĩ rằng dưới sự chủ nhiệm và giảng dạy của các thầy cô, học sinh không phải chịu nhiều áp lực, các con đến trường được thoải mái, vui vẻ. Học sinh cũng mong muốn như vậy, bởi vì khi vi phạm kỉ luật sẽ ít bị phạt, mời phụ huynh... nên mặc sức làm theo ý thích của mình. Không những thế, trong việc đánh giá điểm số, các thầy cô cũng dễ, trẻ học ít mà được điểm cao. 

Thứ ba là những thầy cô kỉ luật, nghiêm khắc. Những phụ huynh có con em cá biệt thường mong muốn được các thầy cô này chủ nhiệm, giảng dạy. Tuy vậy, bước đầu, học sinh có thể sẽ chống đối, về sau khi nề nếp ổn định, có sự gắn kết, chia sẻ và thấu hiểu giữa các bên, tình hình lớp có thể sẽ tốt hơn.

Thứ tư, phụ huynh, học sinh sẽ chọn những thầy cô đã chủ nhiệm con từ lớp dưới, bởi sau một năm gắn bó, phụ huynh rất tin tưởng thầy cô, giữa giáo viên với phụ huynh, học sinh đã có sự chia sẻ và hiểu biết lẫn nhau. Điều này thường xảy ra ở các lớp bé, phụ huynh sợ các con mất nhiều thời gian để làm quen với thầy cô mới nên nghĩ sự lựa chọn này sẽ tốt và an toàn nhất.

Chọn thầy cô cho con: Tạo động lực cho giáo viên phát triển bản thân

Có thể nói việc chọn giáo viên sẽ khiến cho một số thầy cô buồn, vô tình tạo nên sự đố kị, mất đoàn kết trong cơ sở giáo dục. Sự so sánh là không thể tránh khỏi, dù biết rằng những so sánh ấy đôi khi chỉ là tương đối, khách quan và chịu nhiều tác động.

Phụ huynh có thể dùng nhiều cách khác nhau để tác động đến ban giám hiệu trong việc sắp xếp giáo viên. Có những bạn học sinh, phụ huynh vì một lí do khách quan nào đó ngoài chuyên môn sẽ lôi kéo phụ huynh, học sinh khác, đòi đổi người chủ nhiệm, giảng dạy... Chuyện này không hiếm trong những năm gần đây, khiến giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, thậm chí ban giám hiệu cũng gặp nhiều bối rối, khó khăn.

Nhưng suy nghĩ kỹ, việc chọn giáo viên chủ nhiệm hay giảng dạy sẽ là nhu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại. Người giáo viên không thể đứng ngoài xu thế này. Vấn đề được đặt ra cho thầy cô là luôn phải trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn. Bởi vì, khi có chuyên môn vững vàng, người giáo viên mới có thể tự tin trong công việc, phụ huynh học sinh sẽ tôn trọng, tín nhiệm và tìm đến mình.

Đồng thời, người giáo viên luôn phải tu dưỡng đạo đức, tác phong theo đúng chuẩn mực, từ đó phụ huynh yên tâm gửi gắm con em của họ. Người giáo viên cũng cần nâng cao bản lĩnh, điều tiết được cảm xúc khi xử lí các sự việc trong lớp, bởi vì môi trường lớp học luôn có những câu chuyện xảy ra giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh, phụ huynh với phụ huynh... Người giáo viên phải có sự linh hoạt khi xử lí tình huống.

Một vấn đề quan trọng khi chọn nghề giáo viên, thầy cô phải có tấm lòng bao dung, tình yêu con trẻ thật lòng, tất sẽ có được tình cảm, sự tin yêu, trân trọng của phụ huynh, học sinh.

Chương trình giáo dục năm 2018 nhằm thay đổi toàn diện cách dạy, cách học, cách quản lí ở các cơ sở giáo dục, nhưng dù có đổi mới như thế nào thì vai trò của người thầy, mối quan hệ thầy trò, mối liên hệ gia đình - nhà trường - xã hội luôn phải có những chuẩn mực nhất định. Trong văn hóa của người Việt Nam, hình ảnh thầy cô luôn được trân trọng và có vị thế nhất định trong tâm hồn mỗi người, chẳng vậy mà ông cha ta đã dạy: “Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
An Phú (TPHCM)

Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn.