Diễn đàn Logistics Việt Nam 2022 với chủ đề “Logistics xanh” được tổ chức tại TP Hải Phòng ngày 25-26/11/2022

Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức từ năm 2013 đến nay. Năm 2022, bên cạnh phiên toàn thể của Diễn đàn với chủ đề “Logistics xanh” đã diễn ra vào buổi sáng cùng ngày, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW tổ chức sự kiện chuyên đề “Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và kinh tế tuần hoàn”. Sự kiện nhằm giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội lắng nghe, chia sẻ với những diễn giả đầu ngành, những người làm nghề tâm huyết, cùng đào sâu thực tiễn vào vấn đề tối ưu hóa chi phí logistics đang rất “nảy lửa” hiện nay, từ đó đề ra các giải pháp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics.

Hội thảo quy tụ sự tham gia của gần 300 đại diện đến từ các cơ quan quản lý cấp Trung ương, UBND và các Sở một số tỉnh, thành phố, các hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng dịch vụ logistics, doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu trên phạm vi toàn quốc, và hơn 6.000 đại diện tham gia trực tuyến qua website của Diễn đàn, fanpage của tạp chí VnEconomy, fanpage của đơn vị đồng tổ chức BW.

 Diễn đàn quy tụ nhiều chuyên gia logistics đầu ngành

2 nội dung được tập trung thảo luận bao gồm: Tối ưu hóa chi phí với trung tâm logistics và Kinh tế tuần hoàn - con đường tất yếu. 

Tại phiên thảo luận 1, các diễn giả đến từ các doanh nghiệp dẫn đầu về logistics đã cùng bàn luận về một nội dung tuy mới mẻ nhưng có tính thực tiễn cao, đó là xu hướng phát triển trung tâm logistics và lợi ích của trung tâm logistics đối với việc tối ưu hóa chi phí. Tốc độ tăng trưởng vượt bậc của thương mại điện tử trong thời gian qua đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống logistics phục vụ cho thương mại điện tử, trong đó bao gồm các trung tâm logistics. Từ góc độ của một công ty thương mại điện tử quốc tế đồng thời là một trong những đơn vị khai thác thương mại điện tử lớn bậc nhất Đông Nam Á, ông Vũ Đức Thịnh, Tổng Giám đốc Lazada Logistics Việt Nam, đánh giá các trung tâm logistics không chỉ góp phần gia tăng hiệu quả trong hoạt động logistics mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. 

 Phiên thảo luận 1 với sự tham gia của đại diện Lazada, Valoma, VIMC và Western Pacific

Phiên thảo luận còn đề cập đến vai trò và xu hướng phát triển của các trung tâm logistics đô thị, trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển đi đôi với nhu cầu logistics giao hàng chặng cuối. Tốc độ đô thị hóa cao và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu mang lại nhiều cơ hội để thúc đẩy ngành thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển hơn so với các nền kinh tế khác ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra những yêu cầu đổi mới để tổ chức một cách cách hiệu quả và nhanh hơn. Và đây sẽ là điều kiện để thúc đẩy sự hình thành của các trung tâm logistics tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM.

Bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành, Công ty Cổ phần Phát triển Công nghiệp BW cho hay: “Là nền tảng bất động sản công nghiệp và hậu cần cho thuê lớn hàng đầu Việt Nam, chúng tôi nhận thấy những địa điểm đủ rộng và phù hợp để xây dựng các trung tâm logistics là rất khan hiếm. Về phía BW, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để có thể tìm kiếm những vị trí sở hữu lợi thế chiến lược. Ví dụ ở vùng đông bắc của TP.HCM, chúng tôi đã xây dựng các trung tâm logistics để phục vụ cho giao hàng của Shopee, J&T Express. Hàng hóa sẽ được vận chuyển đến những kho trung chuyển này và sau đó tiếp tục vận chuyển bằng các xe tải nhỏ hơn vào khu vực đô thị lại để giao hàng chặng cuối đến tay người tiêu dùng. Việc xuất hiện những trung tâm logistics này đã giúp tối ưu hóa mạng lưới vận chuyển để giao hàng đến cho người tiêu dùng cuối cùng và đồng thời chúng tôi cũng đang cân nhắc xây dựng các trung tâm logistics chuyên biệt để đáp ứng nhu cầu cho những mặt hàng tiêu dùng nhanh FMCG hoặc dược phẩm” 

 Bà Fion Ng, Giám đốc Vận hành BW tại sự kiện

Bà Fion Ng cũng đưa ra những bài học từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để áp dụng tại Việt Nam trong việc xây dựng mạng lưới các trung tâm logistics trong logistics đô thị nhằm tối ưu hóa chi phí và đáp ứng mục tiêu giảm lượng phát thải về bằng “0”. 

Sang phiên thảo luận 2, các diễn giả tập trung thảo luận về các sáng kiến hướng tới phát triển xanh và bền vững, nhất là trong bối cảnh việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đang trở thành một xu hướng tất yếu. Là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể thể bỏ qua xu hướng này, để đảm bảo tính cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới, đặc biệt là để phục vụ các thị trường khó tính như châu Âu và châu Mỹ. 

Đại diện KCN Nam Cầu Kiền, BW, Amcham, VNPost tham gia thảo luận phiên 2

Phiên thảo luận 2 kết thúc với nhiều chia sẻ và giải pháp hữu ích trong hoạt động sản xuất cũng như trong quá trình vận hành logistics và giao hàng chặng cuối, từ mô hình thí điểm các khu công nghiệp sinh thái, lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái kho xưởng, lắp đặt cửa tự động không sử dụng động cơ điện, việc sử dụng các loại xe động cơ điện trong hoạt động giao nhận, dự án phát triển nền tảng số nhằm tối ưu hóa luồng vận chuyển, góp phần giảm thiểu lượng phát thải đến các sáng kiến liên quan đến việc tối ưu hóa quy trình dán nhãn, giảm tiêu thụ giấy và tái sử dụng bao bì đóng gói sau khi giao nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đồng thời đảm bảo chi phí vận hành hiệu quả.

Ngọc Minh