Theo hãng thông tấn Reuters, trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), Tổng thống Macron thừa nhận sẽ phải mất "vài thập kỷ" để những ứng cử viên như Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU). 

“Với cuộc đấu tranh và lòng quả cảm, Ukraine đã là một thành viên chân thành của châu Âu, của gia đình và của liên minh chúng ta”, ông Macron cho biết. “Nhưng kể cả khi trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên (của EU) ngay trong ngày mai, chúng ta thừa biết rằng quy trình cho phép Ukraine gia nhập sẽ phải mất vài năm và có thể là vài thập kỷ”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Strasbourg hôm 9/5. Ảnh: Reuters

Dù vậy, khi đề cập đến sự cấp bách để Ukraine cũng như các ứng cử viên tiềm năng khác như Moldova và Georgia có thể có một chỗ đứng giữa lòng châu Âu, ông Macron đã gợi ý việc tạo ra một thực thể song song với EU, nhưng mở cửa với các quốc gia không phải thành viên của liên minh này.

“Tổ chức kiểu mới này sẽ cho phép các quốc gia dân chủ khác ở châu Âu tuân theo những giá trị cốt lõi của chúng ta, và tạo một không gian mới cho sự hợp tác chính trị, an ninh, cũng như các lĩnh vực năng lượng, giao thông, đầu tư, cơ sở hạ tầng và việc đi lại của người dân, đặc biệt là giới trẻ của chúng ta”, Tổng thống Pháp nói. “Việc tham gia nó sẽ không làm phương hại đến tư cách thành viên của EU trong tương lai, cũng như sẽ không đóng cửa đối với những quốc gia đã rời đi”.

Ông Macron đưa ra gợi ý trên cùng thời điểm Chính phủ Ukraine xác nhận đã hoàn thành và chuyển phần 2 của bảng câu hỏi đánh giá mức độ sẵn sàng gia nhập EU cho giới chức Brussels. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen thông báo sẽ công bố ý kiến ban đầu về việc Ukraine có thể gia nhập liên minh này vào tháng 6 tới.

Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Ukraine đã ký đơn xin gia nhập EU từ ngày 28/2, khoảng 4 ngày sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở quốc gia này. Ông Zelensky từng thúc giục EU cho phép Ukraine gia nhập nhanh chóng theo cái mà ông mô tả là "thủ tục đặc biệt mới", song không nêu chi tiết. Lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Hà Lan đã phản đối đề nghị kết nạp nhanh này.

Một quốc gia chỉ có thể nộp đơn vào EU khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng Euro. Đơn gia nhập EU của nước ứng cử phải được gửi lên Hội đồng châu Âu, bên yêu cầu Ủy ban châu Âu đánh giá khả năng đáp ứng các tiêu chí của nước này.

Nếu đánh giá của ủy ban thuận lợi, Hội đồng châu Âu phải nhất trí khuôn khổ chính thức cho quá trình đàm phán giữa các bộ trưởng và đại sứ giữa chính phủ các nước thuộc EU và nước ứng cử.

Việt Anh