“EC dự định sẽ cho ý kiến về việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào tháng Sáu tới. Trong cuộc họp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo khác thuộc nhóm G7, gồm các nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản vào hôm 8/5, chúng tôi đã bàn bạc về sự hỗ trợ từ EU và lộ trình ở châu Âu của Ukraine. Tôi mong nhận được câu trả lời cho bảng câu hỏi khảo sát xin gia nhập EU của Ukraine”, bà Von der Leyen viết trên Twitter hôm nay (9/5). 

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen hôm 9/5. Ảnh: Twitter/ Ursula Von der Leyen

Theo hãng tin Al Jazeera, bà Von der Layen trong chuyến thăm thủ đô Kiev hồi đầu tháng trước đã thể hiện tình đoàn kết với Ukraine, cũng như nhất trí rằng Brussels sẽ xem xét tham vọng gia nhập EU của chính quyền nước này.

Sau đó, Phó chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine hôm 17/4 thông báo trên truyền hình quốc gia rằng, chính quyền Kiev đã hoàn tất bảng câu hỏi khảo sát xin gia nhập EU, bước đầu tiên để khối này quyết định về việc tiếp nhận Ukraine làm thành viên. 

Đại sứ Nga bị tạt sơn

Theo hãng tin RT, Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev hôm nay (9/5) đã bị tạt sơn đỏ khi tham gia vào buổi lễ vinh danh những người lính Hồng quân Liên Xô hy sinh trong Thế chiến Hai.

Video được đăng tải trên Telegram cho thấy, Đại sứ Andreyev khi có mặt tại buổi lễ đã bị một đám đông ủng hộ Ukraine bao vây. Sau đó, những kẻ quá khích đã tạt sơn lên người ông Andreyev. 

Trong một thông cáo sau đó, Đại sứ Andreyev nói rằng ông không bị thương trong vụ việc trên.

“Chúng tôi lên án vụ tấn công được thực hiện bởi những kẻ ủng hộ chủ nghĩa tân phát xít. Việc buổi lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng bị gián đoạn, cũng như các cuộc tấn công trước đây nhằm vào nhiều tượng đài kỷ niệm Thế chiến Hai hay nghĩa trang, đã chứng minh một điều hiển nhiên về sự tái sinh của chủ nghĩa phát xít ở phương Tây”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với hãng tin RT.

Nga nói các cuộc đàm phán với Ukraine vẫn tiếp tục

Ông Vladimir Medinsky, cố vấn của Tổng thống Vladimir Putin kiêm trưởng đoàn đàm phán của Nga, hôm nay (9/5) cho biết, các cuộc đàm phán giữa họ và phái đoàn Ukraine chưa dừng lại và vẫn tiếp tục họp trực tuyến. “Chúng tôi yêu cầu những chi tiết cụ thể hơn… để có thể gặp trực tiếp”, ông Medinsky nói với hãng tin Interfax. 

Theo hãng tin Al Jazeera, các đoàn đàm phán Nga-Ukraine đã không có các buổi đàm phán hòa bình trực tiếp kể từ cuối tháng Ba. Dù vậy, việc đàm phán vẫn diễn ra thông qua các cuộc họp trực tuyến.

Quân Nga tuyên bố phá hủy hệ thống radar của Mỹ ở Ukraine

“Chúng tôi đã phá hủy một hệ thống radar xác định vị trí đạn pháo bắn được Mỹ sản xuất, ở gần thị trấn Zolote thuộc miền đông Ukraine”, hãng tin Reuters dẫn thông cáo từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Hiện Reuters, Al Jazeera và nhiều hãng truyền thông khác chưa thể xác minh thông cáo trên của quân đội Nga.

Trong trường hợp tuyên bố trên của quân đội Nga đúng sự thật, thì rất có thể hệ thống radar được nhắc tới là AN/TPQ-36, loại khí tài nằm trong gói viện trợ quân sự cho Ukraine có tổng trị giá 800 triệu USD được Mỹ công bố hồi giữa tháng trước. AN/TPQ-36 được Mỹ chế tạo nhằm xác định vị trí đạn pháo đối phương được bắn ra, từ đó cung cấp tọa độ cho các hệ thống vũ khí của Mỹ hoặc đồng minh phản công.

G7 cam kết giúp những nước bị khủng hoảng lương thực vì chiến sự Ukraine

“Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn cho nền kinh tế toàn cầu; tác động tới an ninh cung cấp năng lượng, phân bón, thực phẩm cũng như các chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, hãng tin RT dẫn thông cáo chung được các nhà lãnh đạo nhóm G7, gồm những nước Mỹ, Canada, Anh, Đức, Italia, Pháp và Nhật Bản, đưa ra sau cuộc họp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

“Những nước dễ tổn thương nhất đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng, và G7 đang nỗ lực nhằm chống lại các tác động ‘bất lợi và có hại’. G7 kêu gọi Nga hãy chấm dứt việc cản trở các hoạt động sản xuất và xuất khẩu lương thực của Ukraine. Việc Moscow cản trở Kiev xuất khẩu lương thực sẽ được nhìn nhận như một cuộc tấn công vào công cuộc nuôi sống thế giới”, thông cáo viết thêm. 

Khối G7 trong thông cáo trên cũng khẳng định rằng, họ sẽ giúp đỡ Ukraine “duy trì việc sản xuất và xuất khẩu lương thực trong vụ mùa tới”.

Tuấn Trần