- Tổng thống Putin, hơn một lần nói rằng: Sự tan rã của liên bang Xô Viết là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”.

Một ngày sau khi công bố các thứ vũ khí mới siêu mạnh – bao gồm một tên lửa hành trình phóng bằng năng lương hạt nhân – làm dấy lên đồn đoán về sự trở lại tình trạng căng thẳng từ thời Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nếu có thể thay đổi lịch sử nước Nga, ông sẽ không để cho Liên Xô tan rã.

Bình luận của ông Putin về sự kiện năm 1991 này được đưa ra tại một diễn đàn truyền thông Sự thật và Công lý vừa qua do Mặt trận Toàn Nga tổ chức ở thành phố Kaliningrad (miền Tây nước Nga). Khi được hỏi “ông muốn thay đổi sự kiện lịch sử nào của đất nước?”, Tổng thông Putin khẳng định: “Sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết”. 

{keywords}
Tổng thống Putin phát biểu tại trại hè thanh niên Seliger ở Nga. (Ảnh: Los Angeles Times)

Đây không phải là lần đầu tiên ông Putin, cựu điệp viên KGB, bày tỏ tiếc nuối về thời hoàng kim Liên Xô. Tại Đông Đức năm 2005, ông từng nói rằng sự tan rã của Liên Xô là “thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ”.

Tình cảm nuối tiếc này không phải là lạ ở nước Nga. Trên thực tế, đa số người Nga cũng có suy nghĩ như vậy. Và khi cuộc bầu cử tổng thống đang tới gần, đây cũng là một yếu tố đáng chú ý.

Cơ quan thăm dò dư luận Levada Center đã tiến hành thăm dò người Nga về quan điểm của họ đối với sự sụp đổ của Liên Xô từ năm 1992 đến nay. Các số liệu gần đây nhất (tháng 11/2017) cho thấy 58% người Nga vẫn tiếc nuối Liên Xô, trong khi chỉ 1/4 không còn cảm giác này.

Dù nước Nga đã chứng kiến nhiều thay đổi trong 1/4 thế kỷ qua, tình cảm tiếc nuối này vẫn phổ biến. Chỉ có duy nhất một cuộc thăm dò trong thời gian qua cho thấy số người nuối tiếc giảm dưới ngưỡng 50%, đó là vào tháng 12/2012, khi chỉ có 49% có tình cảm này và 35% nói là không còn tiếc nuối.

Sự hoài niệm về Liên Xô đã tăng mạnh, đạt đỉnh vào năm 2000, ngay khi ông Putin lên nắm quyền lần đầu tiên. Theo đó, có tới 3/4 người dân nói là tiếc nhớ nước Nga Xô Viết của mình.

Tình cảm trên là hoàn toàn có thể hiểu được khi nhìn nhận các sự kiện từ góc nhìn của người Nga bình thường.

Hiểu thấu tình cảm này, trong thông điệp liên bang đọc trước đó một ngày, ông Putin đã nhấn mạnh đột phá cơ bản nhất trong 6 năm tới là kinh tế Nga phải tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu. Ông cho biết Nga không nên chỉ duy trì vị trí nằm trong tốp 5 nền kinh tế hàng đầu trên thế giới mà phải đặt mục tiêu tăng GDP bình quân đầu người lên 1,5 lần vào giữa thập kỷ tới. Bên cạnh đó, Nga cũng cần có đột phá về công nghệ nhằm đặt ra nền móng cho sự phát triển thành công trong tương lai. Nhắc lại ý này, tại Diễn đàn ở Kaliningrad, ông Putin bày tỏ hy vọng “toàn bộ công nghệ quân sự và vũ khí mới có thể được sử dụng trong các ngành công nghiệp dân sự”.

Kể từ năm 2000, ông Putin đã lãnh đạo nước Nga theo một kiểu khác, trở thành người làm việc ở Điện Kremlin lâu năm nhất kể từ thời Joseph Stalin.

Trong thông điệp liên bang kết thúc 2 nhiệm kỳ liên tiếp, tổng thống đương nhiệm đã thông báo các công nghệ vũ khí mới mà ông gọi là “bất khả chiến bại” của nước Nga, có thể gây chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa thông thường.

Một số nhà quan sát cho biết trong khi nước Nga đã sở hữu các vũ khí có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ khi cần, việc thông báo công khai về các vũ khí công nghệ cao này có thể nhằm quy tụ một lượng cử tri trong nước trước thềm cuộc bầu cử ngày 18/3 tới dù ông được cho là sẽ dễ dàng chiến thắng trong lần này. Thăm dò dư luận tuần trước có tới gần 70% nói là sẽ bỏ phiếu cho ông, cao hơn gấp 10 lần đối thủ của ông, một ứng cử viên đại diện Đảng Cộng sản.

Tại diễn đàn truyền thông Sự thật và Công lý vừa rồi, ông Putin đã cởi mở chia sẻ một vài bí mật thương mại và đời sống riêng tư, cũng như những việc ông sẽ làm khi không còn đứng đầu nhà nước. Ông chia sẻ, sẽ tiếp tục “làm việc” và có thể “thử sức với nghệ thuật”. Trước đó, hồi tháng 2, ông từng đùa, sẽ đệ đơn tìm việc vào vị trí thợ giặt nếu ông không tái đắc cử lần này.

Diệu An