Theo sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, hoa hồng vừa đẹp vừa thơm lại có nhiều công dụng với sức khỏe. Cánh hoa giàu vitamin E, A, C, D, B3 và một số chất chống oxy hóa. Nhiều người dùng cánh hoa hồng làm trà hay thả vào nước ấm để tắm giúp thư giãn và giảm đau đầu, căng thẳng.
Hoa hồng đỏ có vị ngọt, tính ôn, vào kinh can, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu thũng, giải độc. Nhờ đó, loại hoa này có thể chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vết thương sưng tấy, viêm họng, băng huyết, lở mồm, chống mất ngủ…
Hoa hồng bạch cổ thường có vị ngọt, tính bình, trị ho cho trẻ em rất hiệu quả.
Tuy nhiên, những người tỳ vị hư yếu hoặc có thai không dùng các bài thuốc từ hoa hồng. Đồng thời, người dân cần thận trọng khi chọn hoa, tránh loại có thuốc bảo vệ thực vật.
Hoa nhài còn gọi là bông lài, mạt lị được trồng khắp Việt Nam để lấy hoa ướp chè hay tạo hương thơm cho thức ăn. Cây được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành, đất nào cũng trồng được, miễn không bị úng. Thu hoạch hoa bắt đầu vào tháng 9 hay tháng 10.
Hoa nhài có vị cay, ngọt, tính ôn, tác dụng lý khí, khai uất, hòa trung, trừ uế. Trong hoa có chất béo thơm chừng 0,08% và chất màu vàng thường thay thế cho saffron - nhụy hoa nghệ tây có nhiều tác dụng với sức khỏe. Một số nơi dùng nước sắc hoa nhài chữa mắt đỏ, sưng đau, pha như trà uống chữa đau bụng, kiết lỵ.
Rễ nhài có vị đắng, tính ôn, tác dụng giảm đau, gây mê. Dược liệu này là thuốc giảm đau trong trường hợp tổn thương gân xương, đau đầu, sâu răng, mất ngủ.
Hoa cúc còn gọi là cam cúc hoa, bạch cúc hoa, cúc hoa trắng, cúc điểm vàng, hoàng cúc. Cây được trồng nhiều ở nước ta để lấy hoa làm thuốc hay ướp chè, nấu rượu.
Theo tài liệu cổ, hoa cúc trắng có vị ngọt, tính hơi hàn; cúc hoa vàng có vị đắng cay, tính ôn vào 3 kinh phế, can và thận. Hoa cúc có tác dụng tán phong thấp, giải độc; dùng chữa phong mà sinh hoa mắt, nhức đầu, mắt đỏ đau, nhiều nước mắt, đinh nhọt.
Hiện nay, hoa cúc được dùng làm thuốc chữa các chứng nhức đầu, đau mắt, chảy nước mắt, cao huyết áp, sốt. Hoa có thể sắc uống, dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác; dùng ngoài rửa, đắp mụn nhọt.
* Các thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo, người dân có nhu cầu sử dụng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, thầy thuốc Đông y có chuyên môn.