UBND TP.HCM vừa có văn bản chấp thuận chủ trương sử dụng Quỹ Phòng chống thiên tai thành phố cấp cho Sở NN&PTNT, UBND quận Tân Bình, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức để hỗ trợ kinh phí tu sửa cấp bách 23 công trình phòng, chống thiên tai xung yếu năm 2024.
23 công trình bao gồm: Tu sửa cống SG3 thuộc công trình Đê bao ngăn lũ bờ tả ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Phước đến rạch Cầu Ngang (TP Thủ Đức); gia cố cấp bách các vị trí sạt lở bờ rạch Cầu Sa (quận 12); chống ngập úng tại 4 hẻm (quận Tân Bình); tu sửa 6 mương tiêu thoát nước, rạch, kênh (huyện Củ Chi); tu sửa 11 bờ bao rạch, bao nhánh (TP Thủ Đức). Tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến là 62,598 tỷ đồng.
Các công trình này dự kiến sau khi được xây dựng hoàn thành sẽ phát huy hiệu quả phòng, chống triều cường, ngập úng, tiêu thoát nước bảo vệ cho các khu vực có tổng diện tích khoảng 134,53 ha và bảo vệ cho khoảng 7.722 hộ dân.
UBND thành phố giao Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị được giao làm chủ đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện đối với các công trình thuộc tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi do Sở quản lý; phê duyệt hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật và phê duyệt quyết toán theo đúng quy định hiện hành.
Ngoài ra, UBND thành phố cũng giao UBND quận Tân Bình, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị trực thuộc có chức năng làm chủ đầu tư tổ chức khảo sát, lập hồ sơ, trình tự thủ tục thực hiện xây dựng các công trình, lấy ý kiến chuyên ngành Chi cục Thủy lợi (Sở NN& PTNT).
UBND TP nhấn mạnh, các đơn vị phải có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng các công trình trên địa bàn, đảm bảo an toàn, chủ động thực hiện các biện pháp xử lý các vị trí xung yếu, đảm bảo phòng chống ngập úng, triều cường, tiêu thoát nước theo phương châm “bốn tại chỗ”, đặc biệt là trong các đợt triều cường, mưa lũ năm 2024.
Việc tu sửa và nâng cấp các công trình phòng chống thiên tai là một phần trong nỗ lực của TPHCM nhằm đối phó với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và cơ sở hạ tầng.
Do đó, việc đầu tư vào các công trình này không chỉ là biện pháp khẩn cấp mà còn là bước đi chiến lược để đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.