Ngày 31/5, Ban Chỉ huy dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Vành đai 3 TP.HCM cho biết, diện tích mặt bằng bàn giao đến chiều 30/5 đạt khoảng 297ha, đạt trên 72% diện tích toàn dự án. 

Công nhân thực hiện cắm mốc lộ giới dự án Vành đai 3 TP.HCM

Trong 4 địa phương của TP.HCM nằm trong phạm vi dự án Vành đai 3 thì có huyện Hóc Môn dẫn đầu với tỷ lệ bàn giao hơn 90%, kế đến huyện Bình Chánh hơn 77%, huyện Củ Chi hơn 71% và TP Thủ Đức chỉ đạt 48%.

Với tỷ lệ mặt bằng bàn giao trên 70%, dự án Vành đai 3 đã đủ điều kiện khởi công ngay trong tháng 6/2023. So với dự tính ban đầu đến ngày 15/6 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng cho chủ đầu tư dự án thành phần xây lắp, thì tiến độ bồi thường đến thời điểm này khá tốt. 

Dự án Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM ảnh hưởng gần 1.700 cá nhân, tổ chức tại 4 địa phương (TP Thủ Đức và ba huyện gồm Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn) khoảng diện tích cần thu hồi hơn 410ha.

Để đảm bảo tiến độ khởi công cuối tháng 6 năm nay, dự án Vành đai 3 TP.HCM được tách thành hai dự án thành phần gồm dự án thành phần 1 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP.HCM) và dự án thành phần 2 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư).

Trong dự án thành phần 2, TP bắt đầu triển khai chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án từ ngày 6/5. Đến nay, TP đã chi trả hơn 3.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bị ảnh hưởng dự án vành đai 3.

Người dân huyện Hóc Môn làm thủ tục nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án Vành đai 3 TP.HCM

Đối với dự án thành phần 1, đến nay Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đã phát hành trên mạng hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát.

Từ nay đến cuối tháng 6, Ban Giao thông sẽ lựa chọn các nhà thầu xây lắp, tư vấn và ký kết hợp đồng để khởi công 4 gói thầu xây lắp qua 4 địa phương, gồm Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh vào mốc 30/6.

Vành đai 3 TP.HCM với tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong số này, hơn 41.500 tỷ chi cho giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và gần 26.000 tỷ cho xây dựng và thiết bị. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2026.

Dự án có tổng chiều dài 76,3 km (đoạn qua TP.HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).

Điểm cuối của đường Vành đai 3 qua TP.HCM là nút giao cao tốc TP.HCM - Trung Lương và cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) trong tương lai.

Điểm đầu của dự án là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối là nút giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới cao tốc kết nối TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kéo giảm ùn tắc giao thông khu vực.