Sáng 11/8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp khu phố, ấp trên địa bàn thành phố.

Giảm hơn 30% cán bộ không chuyên trách

Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, địa phương đã tiến hành thí điểm sắp xếp lại khu phố của các phường Phú Hữu, Hiệp Bình Phước và Phú Hữu.

Trước sắp xếp, ba phường có 15 khu phố, với 472 cán bộ hoạt động không chuyên trách và 136 cán bộ hội, đoàn thể.

Chủ tịch TP Thủ Đức Hoàng Tùng phát biểu tại hội nghị

Sau sắp xếp, tổng số khu phố của ba phường là 76, số cán bộ hoạt động không chuyên trách còn 228 người và 152 cán bộ đoàn, hội. 

“Như vậy, sau sắp xếp, số người hoạt động không chuyên trách tại ba phường giảm từ 563 người, xuống còn 380 người (giảm 183 người, tỷ lệ hơn 30%)”, ông Hoàng Tùng thông tin. 

Ông Tùng cũng thông tin, khi chưa thí điểm sắp xếp ba phường nói trên, TP Thủ Đức có 34 phường, 199 khu phố và 2.261 tổ dân phố. Nếu hoàn thành việc sắp xếp, Thủ Đức sẽ không còn tổ dân phố đang hiện hữu.

Cũng theo ông Tùng, trong quá trình lấy ý kiến, có nhiều người dân vẫn chưa đồng tình việc sắp xếp. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ không chuyên trách cũng băn khoăn về việc ai nghỉ việc, ai ở lại làm tiếp. 

Bên cạnh đó, sau sắp xếp, số lượng trụ sở mới không đủ bố trí cho các khu phố làm việc. Trong khi quy định không làm phát sinh trụ sở mới là điều gây trở ngại cho địa phương.

Nhân sự về hội, đoàn cũng rất khó tìm, do các thanh niên chưa mặn mà hay đã tham gia hoạt động đoàn tại các trường đại học. 

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức cũng gặp khó khăn về kinh phí, khi chưa được bố trí kinh phí cho việc triển khai sắp xếp khu phố…

Từ đó, ông Tùng kiến nghị TP.HCM sớm giải quyết các khó khăn nói trên, để địa phương tiến hành sắp xếp khu phố tại các phường còn lại.

Góp ý tại hội nghị, ông Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, điều quan tâm nhất là việc sắp xếp phải tránh gây xáo trộn trong suy nghĩ và hành động của nhân dân. 

Lực lượng công an sẽ phối hợp với các lực lượng khác để đảm bảo an ninh trật tự, không làm phát sinh vấn đề phức tạp, 

Công an thành phố cũng sẽ bố trí lại lực lượng cảnh sát khu vực, bảo vệ khu phố…khi tiến hành việc sắp xếp.

Tránh xáo trộn tâm lý người dân

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá cao vai trò của tổ nhân dân (thuộc ấp), tổ dân phố (thuộc khu phố) 

Các mô hình này là cánh tay nối dài của hệ thống chính trị, đồng thời mô hình này mở rộng dân chủ ở cơ sở rất tốt. 

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, quy định buộc TP phải sắp xếp lại để thống nhất chung với cả nước. Sau sắp xếp, TP sẽ không còn tổ dân phố, tổ nhân dân mà chỉ còn khu phố và ấp.

Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu

Người đứng đầu chính quyền thành phố cho biết, quá trình sắp xếp khu phố, ấp sẽ lâu dài, cần lường trước các vấn đề phát sinh để chủ động giải quyết. 

Ông cho rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất là hạn chế làm xáo trộn tâm tư, tình cảm của nhân dân, cán bộ trong sắp xếp. 

Về cơ bản, theo ông Mãi, TP.HCM đã sẵn sàng, nhưng cần tiến hành sắp xếp khoa học, đúng quy trình. 

Qua đó, ông yêu cầu các địa phương sớm  ban hành kế hoạch sắp xếp để tháng 12/2023 trình HĐND thông qua.

Bên cạnh đó, theo ông Phan Văn Mãi, khi sắp xếp không làm phát sinh biên chế, qũy tiền lương, trụ sở mới…nhưng phải đảm bảo điều kiện tối thiểu cho hoạt động của khu phố, ấp. 

Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng yêu cầu các đơn vị (có liên quan) khẩn trương thực hiện rà soát, lập kế hoạch sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. 

Theo ông Mãi, qua rà soát, TP.HCM có 6 quận và 149 đơn vị cấp xã phải sắp xếp lại.

Tuy nhiên, thành phố sẽ rà soát lại theo các tiêu chí đặc thù và sẽ có đơn vị không sắp xếp theo tiêu chí này. 

“Phải khẩn trương lập kế hoạch, để đến ngày 1/10/2023 trình Thủ tướng phê duyệt”, ông Mãi yêu cầu. 

Theo Sở Nội vụ TP.HCM, khi tiến hành sắp xếp khu phố, ấp phải đảm bảo quy mô dân số Khu phố (ở dưới phường, thị trấn) từ 500 hộ gia đình trở lên; Ấp (ở dưới xã) từ 350 hộ gia đình trở lên. Sau khi sắp xếp theo quy định, phường, xã, thị trấn chỉ có khu phố ở phường, thị trấn; ấp ở xã. Đối với các khu phố, ấp đã hoạt động ổn định, ranh địa giới không thay đổi (có thể vận dụng thấp hơn hoặc lớn hơn quy mô số hộ dân) để giữ nguyên khu phố, ấp. Cũng theo Sở Nội vụ, trước khi triển khai, các địa phương tiến hành lấy ý kiến nhân dân. Nếu trên 50% hộ gia đình đồng ý thì tiến hành các bước tiếp theo, không đạt tỷ lệ này thì lấy ý kiến lần hai. Nếu lấy ý kiến lần hai không đạt trên 50% thì cấp xã báo cáo cấp huyện trình lên UBND TP.

Hồ Văn Lợi, Lê Thị Thuý Tình, Nguyễn Thị Diệu Bình, Nguyễn Thị Lan Anh