Chặn đứng nhiều vụ làm hàng giả
Ngày 10/4, Đội QLTT số 18 Cục QLTT TP.Hồ Chí Minh phối hợp với công an kiểm tra Cơ sở sản xuất thuốc nuôi trồng thủy sản tại địa chỉ 62/5B, ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn sản xuất, gia công thuốc nuôi trồng thủy sản nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh. Tại hiện trường, lực lượng kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ 58 bao thành phẩm (15 kg/bao) dùng để xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ hải sản. Trên nhãn hàng hóa ghi hiệu YUCCA ZEO, 05 kg/bao, TCCS 26/2015/NL, NSX 22/3/2020, HSD 23/3/2022, Công ty TNHH SX & TM thủy sản Nam Long, địa chỉ 74/21 đường số 4, BHH A, Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Lực lượng kiểm tra còn tạm giữ 32 bao nguyên liệu thực phẩm hiệu Dextrose Monohydrate (25 kg/bao) xuất xứ Trung Quốc; 62 thùng hoá chất xử lý nước, thuốc điều trị bệnh cho tôm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đại diện Đội QLTT trường số 18 cho biết, chủ cơ sở này thừa nhận toàn bộ phương tiện, nguyên liệu sản xuất đều mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ và không xuất trình được hợp đồng sản xuất, gia công liên quan đến việc sản xuất hàng hóa nhãn hiệu YUCCA ZEO của Công ty TNHH SX & TM Thủy sản Nam Long.
Trong những ngày gần đây, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, đặc biệt là mặt hàng khẩu trang y tế và nước diệt khuẩn. Đơn cử, ngày 10/4, Đội QLTT số 9 Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và công an kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Song Thiên (số 254/17K đường Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B), phát hiện đang sản xuất khẩu khẩu trang 4 lớp, ghi trên sản phẩm là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Song Thiên - số 67/18 Trần Văn Kỷ, phường 14, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 11.250 chiếc khẩu trang thành phẩm, ghi nhà sản xuất là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Song Thiên; 12.000 chiếc khẩu trang bán thành phẩm;1.600 vỏ hộp khẩu trang và 180 vỏ thùng carton; 50 cuộn vải không dệt (tương đương 500 kg), 6 cuộn vải không dệt đang sử dụng dở và nhiều dụng cụ làm giả khẩu trang. Đội QLTT số 9 đã lập biên bản vụ việc và xác định, doanh nghiệp này có dấu hiệu sản xuất khẩu trang có bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác.
Cuối tháng 3/2020, Đội QLTT số 9 cũng đã phát Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ N.Y.C (đường Đỗ Xuân Hợp, Phường Phước Long B) đang sản xuất gel rửa tay khô, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, không công bố sản phẩm trước khi đưa sản phẩm ra lưu thông. Lực lượng kiểm tra đã tạm giữ 1.632 chai gel rửa tay khô thành phẩm và 30 lít gel rửa tay khô nguyên liệu không có hóa đơn chứng từ.
Lực lượng QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện sản xuất khẩu trang giả nhãn hiệu tại quận 9 |
Xử lý nghiêm sản xuất kinh doanh hàng giả
Từ đầu năm đến nay, lực lượng 389 TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng trăm vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả trên địa bàn, trong đó chủ yếu là các trang thiết bị y tế như khuẩn trang, nước diệt khuẩn. Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số cơ sở, cá nhân đã sản xuất hàng giả để trục lợi. Cùng với sự tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi làm giả các loại trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Chính phủ của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cảnh giác, tránh tiếp tay cho đối tượng vi phạm và mua những mặt hàng này có ngồn gốc rõ ràng, mua ở những địa chỉ bán hàng uy tín.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh- ông Trần Vĩnh Tuyến- đã chỉ đạo các sở ngành, lực lượng QLTT và UBND các quận huyện về việc kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về giá, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đang lưu thông trên thị trường, đặc biệt là đối với mặt hàng khẩu trang y tế. Cục QLTT thành phố được giao chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường quản lý địa bàn, nắm tình hình, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng khan hiếm hàng hóa để găm hàng, tăng giá, đưa ra thị trường các loại khẩu trang giả, kém chất lượng.
Liên quan đến khẩu trang y tế, ngày 11/4, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ký quyết định thực hiện kế hoạch về Chương trình Bình ổn thị trường năm 2020 - Tết Tân Sửu 2021 và ứng phó khẩn cấp dịch Covid -19, thời gian thực hiện từ nay đến ngày 31/3/2021. Theo quyết định, ngoài 10 nhóm hàng bình ổn thiết yếu đang thực hiện, năm nay lần đầu tiên mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn được đưa vào chương trình hàng bình ổn thị trường. Theo đó, thành phố sẽ đưa 57,5 triệu chiếc khẩu trang ra thị trường trong 3 tháng và 3,29 triệu chai nước rửa tay sát khuẩn ( tương đương 1,2 triệu lít) trong 3 tháng vào chương trình hàng bình ổn.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay lượng hàng bình ổn của TP. Hồ Chí Minh chiếm 25-30% nhu cầu thị trường trong các tháng thường và chiếm 25-40% các tháng Tết, riêng các tháng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch Covid - 19, hàng bình ổn chiếm 35 -50% nhu cầu của thị trường. Theo bà Trang, các địa điểm kinh doanh như siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ cung ứng đầy đủ các loại khẩu trang vải kháng khuẩn với giá bình ổn thị trường. Thành phố cũng đã công bố 1.073 điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn tại 24 quận, huyện trên địa bàn để người tiêu dùng dễ dàng mua sắm, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, nâng giá, làm giả mặt hàng khẩu trang.
Theo Báo Công thương