Mô hình chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Sông Công đã và đang phát huy hiệu quả tích cực. Qua đó không chỉ giúp việc mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo an toàn, mà còn góp phần tích cực vào công tác chuyển đổi số tại địa phương.

Trên 95% tiểu thương tại Trung tâm thương nghiệp TP. Sông Công đã trang bị mã quét QR, giúp việc mua bán thuận lợi, tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn trong thanh toán.
Trên 95% tiểu thương tại Trung tâm thương nghiệp TP. Sông Công đã trang bị mã quét QR, giúp việc mua bán thuận lợi, tiết kiệm thời gian, đảm bảo an toàn trong thanh toán.

Mô hình chợ 4.0 được tiểu thương tại Trung tâm thương nghiệp TP. Sông Công hưởng ứng rất tích cực. Các tiểu thương đều cảm thấy hài lòng và thiết thực khi được tiếp cận và sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Bà Lê Thị Như, một tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, cho biết: Tôi thấy việc mua bán hàng hóa bằng hình thức không dùng tiền mặt rất thuận lợi, tránh được những rủi ro về tiền giả, không phải đổi tiền lẻ trả lại khách. Sau gần 1 năm cửa hàng trang bị mã quét QR, có khoảng 70% khách hàng đã sử dụng hình thức thanh toán này.

TP. Sông Công hiện có 7 chợ truyền thống ở các xã, phường, với khoảng 1.000 tiểu thương kinh doanh. Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán, tháng 10-2022, thành phố đã triển khai mô hình chợ 4.0 tại 3 chợ trung tâm gồm: Trung tâm thương nghiệp, chợ Phố Cò và Khu dịch vụ tổng hợp tổ 7, 8 phường Mỏ Chè.

Đây là những chợ nằm ở khu vực trung tâm thành phố, thu hút khoảng 500 tiểu thương kinh doanh đa dạng hàng hóa. Các tiểu thương đã được trang bị mã QR kết nối với các ngân hàng, tạo tài khoản ví điện tử Viettel Money để hỗ trợ thực hiện các giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến; triển khai thu phí dịch vụ: Điện, nước, cước viễn thông, chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại các chợ thông qua tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản di động.

Nhằm triển khai có hiệu quả, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm và hiểu được ý nghĩa của mô hình chợ 4.0. Trong đó tập trung tuyên truyền về cách thức cài đặt và sử dụng các nền tảng mạng xã hội, màn hình led của thành phố để người dân biết và sử dụng.

Người dân xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ.
Người dân xã Bá Xuyên (TP. Sông Công) thanh toán không dùng tiền mặt khi đi chợ.

Thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với thực tế của địa phương, từ đó phối hợp với các đơn vị viễn thông triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt, 145 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn đã phát huy vai trò trong việc hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tiểu thương thanh toán không dùng tiền mặt và đưa các sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

Từ những kết quả ban đầu triển khai ở 3 chợ trung tâm, đến nay, mô hình chợ 4.0 đã được nhân rộng tại các chợ còn lại với khoảng 60% tiểu thương áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Không chỉ người bán, mà người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực khi đi chợ 4.0. Bà Nguyễn Thị May, người dân xã Bá Xuyên, cho hay: Hiện nay, đa số tiểu thương tại chợ đã trang bị mã quét QR để người mua có thể thanh toán thuận lợi, nhanh chóng.

Vì vậy, mỗi khi đi chợ tôi chỉ cần mang theo điện thoại là có thể mua hàng, các giao dịch diễn ra 1-2 phút là xong, không lo tiền bị rơi hay nhầm lẫn như trước kia. 

Theo ông Nghiêm Văn Hà, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Sông Công - Cơ quan thường trực triển khai mô hình chợ 4.0: Dù đạt được những kết quả tích cực, song hiện nay mô hình chợ 4.0 vẫn còn mới với một bộ phận người dân trên địa bàn.

Nguyên nhân là do tiểu thương ở các chợ chủ yếu là hộ kinh doanh nhỏ lẻ, một số tiểu thương đã lớn tuổi không sử dụng điện thoại thông minh, việc bắt nhịp với công nghệ còn hạn chế. Ở một số chợ vùng nông thôn, người dân vẫn giữ thói quen dùng tiền mặt.

Để phát triển và nhân rộng chợ 4.0, TP. Sông Công tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Địa phương phấn đấu đến năm 2025, 80% chợ nông thôn phát triển chợ 4.0, 100% tiểu thương tại các chợ trang bị mã QR thanh toán không dùng tiền mặt…

Theo Trịnh Phương (Báo Thái Nguyên)