Tại cuộc họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM diễn ra vào chiều 29/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cung cấp thông tin kết quả tiếp thu ý kiến góp ý, phản biện về việc điều chỉnh bảng giá đất. 

Theo đó, từ ngày 19-23/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã tổ chức khảo sát, thăm dò ý kiến của người dân trên mạng Internet nhằm đánh giá sự quan tâm và lấy ý kiến đề xuất liên quan đến dự thảo quyết định điều chỉnh bảng giá đất. Tính đến sáng 21/8, hơn 20.000 ý kiến đã được thu thập. 

W-giá đất 09.jpg
Hơn 20.000 ý kiến của người dân TPHCM gửi về khi được khảo sát các nội dung điều chỉnh bảng giá đất. Ảnh: Anh Phương

Đồng thời, trong tháng 8, thành phố đã tổ chức 3 hội nghị để lấy ý kiến về việc này. Các ý kiến tập trung vào 3 vấn đề chính: căn cứ pháp lý và sự cần thiết của việc điều chỉnh bảng giá đất; lộ trình điều chỉnh; đánh giá tác động đối với một số nhóm đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. 

Theo Sở TN-MT, sau 3 hội nghị, các đại biểu đã thống nhất về sự cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất. 

Đối với lộ trình điều chỉnh giá đất, Luật Đất đai năm 2024 quy định từ ngày 1/1/2026, các tỉnh thành trên cả nước bắt đầu áp dụng bảng giá đất lần đầu. Thẩm quyền phê duyệt bảng giá đất này thuộc Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh. Do đó, hiện nay, Sở đang hoàn thiện thủ tục để trình chấp thuận chủ trương dự án xây dựng bảng giá đất lần đầu. Những năm tiếp theo, TPHCM sẽ điều chỉnh cho từng năm. 

Dự thảo điều chỉnh bảng giá đất đang được Sở TN-MT xây dựng là để áp dụng từ ngày 1/8 đến ngày 31/12/2025. Giá đất điều chỉnh này được thu thập từ UBND quận, huyện và TP Thủ Đức, sau đó đơn vị tư vấn tổng hợp, phân tích và cân chỉnh cho phù hợp thực tế.

Về ý kiến cần đánh giá tác động của bảng giá đất điều chỉnh đối với một số đối tượng thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, Sở cho hay, đây là vấn đề sở trăn trở nhất khi xây dựng dự thảo. 

Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, giá đất tại bảng giá phải phản ánh được giá thực tế phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường. Mức thu và tỷ lệ thu đối với nghĩa vụ này sẽ được quy định tại các văn bản do cơ quan Trung ương ban hành. 

Sở TN-MT đã tham mưu UBND TPHCM báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao các bộ, ngành liên quan ban hành quy định về mức thu và tỷ lệ thu phù hợp sau khi điều chỉnh bảng giá đất. 

Đối với kiến nghị nên cân nhắc giá đất tại một số khu vực còn hạn chế về điều kiện hạ tầng và kinh tế - xã hội, Sở cho biết, đã tiếp thu và chuyển cho đơn vị tư vấn để nghiên cứu, đánh giá. Kết quả tiếp thu ý kiến góp ý và điều chỉnh bảng giá đất sẽ được Hội đồng Thẩm định bảng giá đất TPHCM xem xét, thẩm định theo trình tự.