- Trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 6/12 tại kỳ họp HĐND TPHCM kỳ 3 khoá IX, các đại biểu tập trung tìm cách “gỡ rối” cho TP trong tình hình ngân sách thu được giao cao, mà ngân sách chi bị cắt giảm.
Số điện thoại mua bán rầm rầm, biển số xe thì bỏ qua
“Chưa bao giờ TP được giao thu ngân sách cao như thế này, và bị cắt giảm ngân sách nhiều như thế này”, đó là nhận định của đại biểu Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch Quận 12.
Ông Lê Trương Hải Hiếu |
Về tổ chức thực hiện quy hoạch của TPHCM, ông Hiếu nhận định, đúng ra, Viện Nghiên cứu Phát triển, Sở KHĐT…phải trình bày trước TP đề án quy hoach để HĐND hình dung đc đường đi nước bước của TP trong năm 2017.
“Mở con đường nào, giải toả con đường nào, bước đi tiếp theo hai, ba, bốn như thế nào… thì HĐND phải nhìn thấy rõ. Thực tế chúng ta ở đây là đụng đâu làm đó”, Chủ tịch Quận 12 thẳng thắn.
Lấy ví dụ về trường hợp có ĐBQH kiến nghị về đấu giá biển số xe, ông Hiếu nhận định: chúng ta thấy cuộc đời có 2 số gắn liền: số điện thoại và số xe. Vậy mà số điện thoại mua bán rầm rầm, riêng số xe là 1 loại tài nguyên mà chúng ta lại bỏ qua.
“Nếu kỳ họp này mà Sở GTVT báo cáo phát triển được bao nhiêu km đường, bao nhiêu xe cũ bị loại thải… thì chúng ta biết trước được sẽ cấp bao nhiêu biển số xe mới. Chúng ta không cần định nghĩa với nhau về thế nào là số đẹp. Chúng ta chỉ cần đưa ra 1 lô số, khởi điểm bằng giá bằng 0, sau đó cho ng dân tự trả giá”, ông Hiếu gợi ý phương thức.
50.000 DN mới là mục tiêu rất lớn, nhưng phải thực chất!
Đại biểu Trần Thị Tuyết Hoa, cũng là đại diện cho ngành thuế TPHCM trong HĐND TP chia sẻ: “thu thuế được như kế hoạch giao 2017 là một nhiệm vụ nặng nề. Cơ quan thuế đã có những chuyên đề, chuyên đề nào khai thác thu tốt nhất thì sẽ tập trung”.
Đại biểu Trần Thị Tuyết Hoa: cần có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ra đời |
Đại biểu Hoa cũng nhận định, TP đặt ra chỉ tiêu sẽ có 50.000 DN đăng ký mới trong năm 2017, thực chất đây là mục tiêu rất lớn, đòi hỏi phải có kế hoạch rõ ràng, “Chúng ta khuyến khích chuyển dần các hộ khoán thành doanh nghiệp, nhưng cũng phải nghiên cứu các nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ và khuyến khích DN ra đời”, bà nhận định.
“Và vấn đề không chỉ ở việc thành lập nhiều doanh nghiệp. Bạn tôi đi hội chợ ở Đức, thấy rất nhiều quốc gia có sản phẩm mũi nhọn để bán, trong khi Việt Nam toàn là nhập, ví dụ Malaysia có găng tay y tế. Chúng ta phải hỗ trợ doanh nghiệp thế nào để họ có sản phẩm mũi nhọn, tránh đầu tư dàn trải”, bà Hoa nhấn mạnh.
Cũng về chỉ tiêu thành lập 50.000 doanh nghiệp, đại biểu Cao Anh Minh nhận định: “nếu chỉ căn cứ vào con số thì rất là dễ, tuy nhiên mình phải đi vào thực chất là 50.000 doanh nghiệp này phải đi vào hoạt động, chứ ko phải đi vào hoạt động rồi lại giải thể”.
“Ví dụ như 6 tháng đầu năm 2016, trừ đi số doanh nghiệp giải thể, thì chỉ có 5.000 doanh nghiệp đi vào hoạt động mới thực sự. Cũng phải làm rõ việc hộ cá thể đưa lên làm doanh nghiệp vì liên quan sát sườn đến quyền lợi người dân về thuế, quy mô DN, chi phí bộ máy…”, ông Minh cảnh báo.
V.Đ